Trao thẩm quyền triển khai dự án cho UBND tỉnh, linh hoạt sử dụng các nguồn vốn tham gia là đề nghị của tỉnh Thái Bình nhằm hóa giải những trở ngại về thủ tục, qua đó đẩy nhanh tiến độ 5 dự án đường bộ huyết mạch.
Dự án PPP cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Đối với đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, căn cứ vào tình hình thực tế của dự án, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai, cho phép sử dụng linh hoạt và giải ngân các nguồn vốn tham gia để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm lãi vay trong thời gian xây dựng.
Lý do của đề xuất trên xuất phát từ khó khăn trong quá trình nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án. Trong đó, các quy định liên quan không cho phép địa phương sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư chính là nút thắt lớn của dự án.
Cụ thể, đối chiếu các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 11/2010 của Chính phủ, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Còn theo Luật Ngân sách nhà nước thì việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.
Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định (theo phương thức PPP) là dự án độc lập, không phải thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng. Với tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay), dự án do Tập đoàn Geleximco đề xuất có chiều dài 60km với khoảng 33km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, khoảng 28km trên địa bàn tỉnh Nam Định, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
Theo phương án tài chính dự án, dự kiến giá vé BOT sẽ là 2.100 đồng/km, thời gian thu phí 30,9 năm. Vốn nhà đầu tư tham gia dự án là khoảng 9.560 tỷ đồng; cơ cấu vốn gồm vốn chủ sở hữu 15%, còn lại 85% là vay huy động với tỷ suất lãi vay ngân hàng khoảng 10,7%.
Một trong những ý kiến đáng chú ý về dự án là khả năng huy động vốn của nhà đầu tư. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước tại văn bản ngày 26/6/2023, dự án khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng với thời gian hoàn vốn dài 30,9 năm.
Về việc này, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước đã cam kết với Chính phủ là thu xếp được vốn với thời gian hoàn vốn tối đa khoảng 30 năm như đề xuất. Trong các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ cung cấp hồ sơ chứng minh năng lực khả năng huy động vốn.
Cũng ở trạng thái “chờ” cơ chế đặc thù là dự án PPP tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy, tổng mức đầu tư khoảng 3.870 tỷ đồng, do UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đối với dự án này, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cho phép không áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án theo quy định tại Điều 69 Luật PPP. Thay vào đó, tỉnh đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án như hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Được biết, dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. Hợp đồng BOT dự án ký trước khi Luật Đầu tư PPP có hiệu lực, vốn nhà nước tham gia dự án chiếm gần 67% còn lại là vốn BOT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến dẫn đến cần phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Nguyên nhân của việc cần điều chỉnh tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng (tức chiếm trên 70% tổng mức đầu tư điều chỉnh), là để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính, phần vốn nhà nước tham gia dự án. Do Luật PPP hiện chưa quy định cụ thể với trường hợp này nên địa phương đưa ra đề nghị cơ chế đặc thù nêu trên.
Trong trường hợp các đề xuất nêu trên được chấp thuận, UBND tỉnh cam kết bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương theo cơ cấu nguồn vốn được duyệt và đảm bảo tiến độ triển khai dự án, đồng thời sẽ có biện pháp cụ thể để hoàn thành dự án đúng tiến độ, mục tiêu được phê duyệt.
Đối với nhóm 3 dự án đầu tư công, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị được giao là cơ quan chủ quản của 2 dự án đầu tư công đi qua 2 tỉnh gồm cầu Sa Cao và đường hai đầu cầu nối tỉnh Thái Bình và Nam Định; cầu An Đồng vượt sông Luộc nối huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình và huyện Ninh Giang, Hải Dương và đường đầu cầu tỉnh Thái Bình, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị cho phép HĐND 2 tỉnh thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, cũng như được hỗ trợ từ ngân sách trung ương để triển khai dự án.
Lý do của đề xuất trên là do cả 2 dự án này đều có khó khăn tương đồng. Cụ thể, theo Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn không quy định việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương. Luật Ngân sách nhà nước quy định không được sử dụng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác.
Như vậy, để triển khai dự án đảm bảo các quy định trên, mỗi địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Dương phải lập các dự án độc lập, tức mỗi tỉnh đầu tư 1/2 phần cầu và đường dẫn trên địa bàn tỉnh đó. Điều này sẽ dẫn đến không thuận lợi trong quản lý dự án, gây lãng phí bộ máy, thời gian và thủ tục đầu tư…
Đây là nhóm dự án giao thông huyết mạch của Thái Bình, việc hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án sẽ tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế Thái Bình nói riêng và khu vực phía nam Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.