Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tín dụng, đảm bảo vốn cho nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài.

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.

Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả điều hành các công cụ chính sách tiền tệ và quyết liệt thực hiện các các giải pháp về điều hành lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực.

Đồng thời rà soát kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm nay hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa.

Thủ tướng lưu ý, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tTăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

Thêm nữa, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ.

Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.

Trong hai tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm, đặc biệt ở nhiều ngân hàng lớn. Các ngân hàng có thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành. Cơ quan sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo hướng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.

Những 'bóng hồng' trong đại án Vạn Thịnh Phát

Những 'bóng hồng' trong đại án Vạn Thịnh Phát

Để thực hiện hành vi tham ô chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đã sử dụng các nhân viên tin tưởng, thân tín và trả từ 200 triệu đến 500 triệu đồng/tháng, trong đó có sự góp mặt của các “bóng hồng” nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng…

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.