Triển vọng kinh tế Việt Nam: Khó khăn tiếp diễn quý II

HSBC trong phân tích mới nhất nhận định, nhìn chung, Việt Nam tiếp tục đối mặt với các thách thức trong quý II/2023, sau những kết quả kinh tế của quý I không mấy khả quan.

“Dù khả năng tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2023, chúng tôi vẫn kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, và làn sóng thương mại sẽ chuyển hướng trong nửa cuối năm, đưa tăng trưởng 2023 đạt mức 5,2%”, tổ chức này cho biết.

Con số này thấp hơn đáng kể mức dự báo 6,3% của Ngân hàng Thế giới vào thời điểm giữa tháng 3 vừa qua, mức 6,5% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) – tương đương con số dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào đầu tháng 4.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5 - 6% theo kịch bản cơ sở.

Sau kết quả GDP quý I/2023 không mấy khả quan, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. “Đặc biệt, chúng ta chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm trên mặt trận thương mại”, HSBC nhận định.

Là một quốc gia chịu tác động từ chu kỳ thương mại toàn cầu, những khó khăn ngoại cảnh đã giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Sau khi giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I/2023, xuất khẩu tiếp tục mức giảm hai chữ số, với chỉ số tháng 4 thấp hơn gần 12% so với cùng kỳ.

HSBC: Kỳ vọng hai động lực tăng trưởng của Việt Nam chuyển hướngXuất khẩu tháng 4 tiếp tục suy yếu, với mức giảm hai chữ số, gần bằng giai đoạn dịch Covid-19.

Khó khăn này diễn ra trên diện rộng, với các ngành xuất khẩu chính như dệt may/giày dép, điện thoại thông minh, và đồ nội thất gỗ đều sụt giảm đáng kể.

Điểm sáng duy nhất trong dữ liệu tháng 4 là các sản phẩm máy tính, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình này là một bất ngờ phát sinh do hiệu ứng cơ sở, chứ không phải do chu kỳ công nghệ chạm đáy, HSBC lưu ý.

Mặc cho những khó khăn trong thương mại hàng hóa, ngành dịch vụ tiếp tục đóng góp sự hỗ trợ cần thiết. Gần 1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4, chủ yếu là nhờ lượng khách Trung Quốc tăng 70% so với tháng trước.

Sự phục hồi tích cực này là nhờ những hạn chế bay được dỡ bỏ, và Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách các điểm đến tổ chức du lịch theo đoàn từ giữa tháng 3.

Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc – vốn chiếm tới 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ trước Covid – vẫn đang phục hồi với tốc độ còn chậm, mức độ phục hồi chỉ đạt 25% lượng khách cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, một nguồn khách du lịch lớn khác là Hàn Quốc, đã hồi phục đến gần 80%.

HSBC lưu ý: “Mặc dù ngành du lịch có hỗ trợ một phần, nhưng sự hồi phục của ngành vẫn còn chậm, và chưa đủ để bù đắp những thách thức trong năm nay”.

Thật vậy, trở ngại tăng trưởng vẫn hiện diện thông qua sự tăng trưởng tín dụng cực kỳ chậm chạp. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14 – 15%, và việc NHNN hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 3, tín dụng chỉ tăng khoảng 2% vào giữa tháng 4, chỉ đạt phân nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2022, phản ánh những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế.

Dù tăng trưởng có chậm lại, nhưng tình hình lạm phát đã tốt hơn, giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn. Lý do đầu tiên là giá thực phẩm tiếp tục giảm, nhờ giá thịt heo giảm 1,6% so với tháng trước.

Trong khi đó, giá năng lượng lại cho thấy những xu hướng trái chiều. Trong khi chi phí vận tải tăng nhẹ do giá dầu cao, giá các loại năng lượng khác, như điện và gas, lại giảm. Do đó, theo HSBC, vẫn cần thận trọng với lạm phát phía nhóm cung.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.