Chứng khoán ngày 21/3, thị trường tiếp tục có phiên giao dịch rất tích cực sau khi phục hồi mạnh trong phiên trước. VN-Index tạo khoảng trống tăng giá ngay từ đầu phiên lên mức quanh 1.270 điểm, rung lắc nhẹ trong phiên và tiếp tục duy trì xu hướng tăng tốt đến cuối phiên với thanh khoản gia tăng.
Kết phiên VN-Index tăng 16,34 điểm (+1,30%) lên mức 1.276,42 điểm, tiệm cận giá cao nhất 1.275-1.278 giá cao nhất các ngày chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nếu vượt qua được vùng giá này VN-Index sẽ có kỳ vọng lên lại vùng giá 1.285 điểm -1.295 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 08-09/2022.
HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,31%) lên mức 241,14 điểm. Độ rộng thị trường rất tích cực với 497 mã tăng giá (16 mã tăng trần), 165 mã giảm giá (1 mã giảm sàn) và 135 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết gia tăng mạnh 35% so với phiên trước với 33.156,39 tỷ đồng được giao dịch, vượt mức trung bình. Cho thấy dòng tiền ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng trở lại sau những phiên chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi tâm lý thị trường vẫn lạc quan.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng, mức độ bán ròng giảm dần trong 2 phiên gần đây trên HOSE với giá trị 358,73 tỷ đồng, mua ròng khá mạnh trên HNX với giá trị 91,32 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có diễn biến giao dịch tích cực, dẫn dắt thị trường kiểm tra lại vùng giá cao nhất tuần trước khi nhiều mã vẫn tăng giá mạnh, thanh khoản khá đột biến nổi bật với TCB (+6,62%), HDB (+5,75%), VIB (+2,97%), OCB (+2,76%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như EIB (-1,62%), LPB (-0,88%)...
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến khá tích cực trở lại khi thanh khoản cải thiện, nhiều mã tăng giá khá tốt, thanh khoản khá đột biến như VIG (+4,71%), SHS (+3,65%), VND (+3,63%), MBS (+2,44%)...
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến nổi bật, thu hút lực cầu gia tăng mạnh với thanh khoản rất đột biến ở nhiều mã, nổi bật với ASM (+6,99%), CCL (+6,98%), PDR (+6,96%), HPX (+6,87%), DIG (+4,28%)... nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su phân hóa hơn sau giai đoạn tăng mạnh, nhiều mã vẫn tăng giá mạnh tích cực như D2D (+6,91%), KBC (+4,86%), IDV (+2,37%)... ngoài các mã điều chỉnh như TIP (-0,38%), PHR (-0,16%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến khá tích cực với thanh khoản gia tăng tốt trở lại sau những phiên chịu áp lực điều chỉnh, nổi bật như CNG (+6,97%), PLX (+2,67%), PVB (+2,16%), PVS (+2,13%)... Thị trường tiếp tục có nhiều mã tăng giá mạnh trong từng nhóm ngành như HMR (+10%), DDV (+7,91%), CTR (+6,97%)...
Việc thanh khoản tăng trở lại (+12,6% so với mức trung bình 20 phiên) cộng với việc vượt qua ngưỡng kháng cự trước đó cho thấy tâm lý của giới đầu tư đang kỳ vọng vào xu hướng tăng điểm tiếp theo của thị trường.
Sau nhiều ngày đứng ngoài quan sát, thì tín hiệu hôm nay là một chỉ báo cho việc quay trở lại giải ngân.
Mặc dù vậy, thị trường sẽ không tránh khỏi sự rung lắc mạnh khi vẫn đang ở vùng cao, nên chúng ta chỉ ưu tiên mở vị thế mua thăm dò ở những mã đã bứt phá mạnh trong phiên trước khi thị trường chung có nhịp điều chỉnh.
CSI kỳ vọng xu hướng tăng điểm đã quay trở lại với mốc kháng cự tiếp theo ở vùng 1.310-1.325 điểm.
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Lực cầu hưng phấn ngay từ đầu phiên giúp cho chỉ số tạo gap tăng điểm, duy trì hiệu ứng hồi phục. Thêm vào đó, cơ hội chinh phục vùng đỉnh ngắn hạn cũ được mở rộng hơn với động lực được gia tăng trở lại bởi dòng tiền, cũng như yếu tố nâng đỡ đến từ nhóm cổ phiếu trụ.
Mặc dù vậy, chúng tôi tiếp tục lưu ý về rủi ro đảo chiều xu hướng khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp tại quanh 1.300 (+/-10) điểm.
Rủi ro này cần được chú ý nếu chỉ số tăng vượt đỉnh nhưng khối lượng giao dịch của thị trường lại không tăng tương ứng hoặc xuất hiện thêm những phiên bulltrap, phân phối mạnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, thực hiện chiến lược bán chủ động chốt lời từng phần ở vùng giá cao khi VN-Index hoặc cổ phiếu mục tiêu vượt đỉnh đối với các vị thế trading đã mua thêm trong nhịp điều chỉnh vừa qua hoặc hiện còn đang nắm giữ.
Cần thêm thời gian tích lũy Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Diễn biến của thị trường trong phiên hôm nay củng cố nhận định của công ty đã đưa ra trong bản tin ngày hôm qua rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tích cực trong ngắn hạn. Sau khi vượt qua vùng kháng cự 1.270 điểm, chúng tôi cho rằng chỉ số nhiều khả năng sẽ nối tiếp đà tăng và hướng tới mốc 1.285-1.290 điểm.
Tuy nhiên, trước khi tiến đến vùng giá mục tiêu này, chỉ số sẽ cần thêm thời gian để tích lũy và tạo nền vững chắc hơn ở vùng giá 1.260-1.270 điểm. Điểm lưu ý trong thời gian gần đây là thanh khoản thị trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ, và đây có lẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy up trend của thị trường trong trung và dài hạn.
Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản đang được xem xét, bối cảnh kinh tế năm 2024 đang dần khởi sắc…sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nắm giữ tài sản là cổ phiếu. Chỉ số P/E của VN-Index hiện tại là 14,35 lần, trung bình trong quá khứ dao động quanh 12-17 lần. Định giá PB đang ở mức 1,8 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 2,1 lần.
Nhà đầu tư mở rộng quan điểm trading ngắn hạn Chứng khoán DSC
Trong bối cảnh dòng tiền duy trì cao, nhà đầu tư mở rộng quan điểm trading ngắn hạn trở lại. Để chọn cổ phiếu đánh ngắn, nhà đầu tư ưu tiên các cổ phiếu có tín hiệu bứt phá với thanh khoản cao (cổ phiếu dẫn dắt trong nhóm ngành). Lưu ý, điểm mua hiện tại mang tính chất chấp nhận rủi ro cao.
Tổng quan, DSC nhận định đây vẫn là vùng rung lắc của chỉ số, nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật, tỷ trọng ở mức trung bình, ngay cả khi chỉ số xuất hiện tín hiệu vượt đỉnh 1280 điểm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu