Bộ Công thương vừa ban hành khung giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Khung giá (nêu chi tiết trong Quyết định 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương) sẽ là cơ sở để EVN và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thoả thuận giá phát điện theo quy định. Mức giá trần này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Trong năm 2022, EVN đã đề nghị các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo (NLTT) sớm cung cấp đủ thông tin dự án để phục vụ tính toán khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp.
Cụ thể, tháng 10/2022, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) và EVN tổ chức họp với các chủ đầu tư dự án NLTT về triển khai tính toán khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió và mặt trời chuyển tiếp. Thông tin cho biết, công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã gửi văn bản khẩn ngày 12/10/2022 đến 293 đơn vị/dự án đã ký hợp đồng với EVN, đề nghị cung cấp sớm các số liệu với mong muốn nhận được thông tin từ các Chủ đầu tư chậm nhất ngày vào 21/10/2022.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVNEPTC, tới sáng 21/10, EVNEPTC mới nhận được thông tin từ 59 đơn vị/dự án gửi về (chiếm hơn 20%). Qua đánh giá sơ bộ, một số đơn vị/dự án gửi vẫn thiếu, hoặc chưa đầy đủ thông tin theo đề nghị.
Trước đó, Bộ Công thương ban hành Thông tư 15 ngày 3/10/2022 về quy định xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Cụ thể, thông tư quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy: điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển.
Việc xây dựng khung giá phát điện dựa trên nguyên tắc: Khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển là giải giá trị từ tối thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa.