Việc quản lý hiệu quả nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo vay nợ nhiều, trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ.
Quản lý nguồn vốn vay nước ngoài với mục tiêu giải ngân vốn hiệu quả vẫn đang được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy và triển khai các biện pháp cho giai đoạn 2021 – 2025. Trong bối cảnh hiện nay vẫn đang có những tác động lớn đến đời sống xã hội ở Việt Nam thì việc đánh giá việc giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nợ nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
Để có cái nhìn tổng quan hơn trong việc đảm bảo an toàn nợ nước ngoài thông qua giả ngân vốn đầu tư công, Thương gia giới thiệu loạt bài viết đánh giá thực trạng giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nợ nước ngoài và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy tính hiệu quả quản lý nợ nước ngoài.
(Bài 1): Những tín hiệu tích cực!
Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công, cùng với Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các nghị định, chỉ thị và các văn bản liên quan.
Trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nói chung, vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng.
Ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời đôn đốc các địa phương thực hiện giải ngân và tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.
Đối với vốn vay lại của địa phương, tỷ lệ giải ngân là 26% kế hoạch cho vay lại (trị giá 6.895 tỷ đồng). Đến ngày 30/11/2020, số giải ngân đối với nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt tỷ lệ 41% so với dự toán (điều chỉnh); 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (dự toán đã điều chỉnh), bao gồm thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Định, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đối với nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, tính đến cuối tháng 11/2020, so với dự toán được giao, số giải ngân đạt tỷ lệ 38% và 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy. Về tỷ lệ giải ngân chung, bao gồm cả phần ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và trung ương cho vay lại là 39,5% dự toán được giao.
Đó là những con số của năm 2020, còn mới đây hồi đầu tháng này (tháng 7/2022) tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Tạ Anh Tuấn Thứ trưởng bộ này thông tin: Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng là nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai, đặc biệt năm 2022, Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn với tổng số tiền khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch năm 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cho biết kết quả giải ngân còn chậm so với kế hoạch đề ra, cũng như so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt 9,12% so với kế hoạch được giao. Trong đó các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian vừa qua, những hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài vẫn tồn tại.
Chia sẻ với Thương Gia, TS. Lê Thị Mai Anh – Giảng viên Học viện Tài chính những hạn chế có thể được kể đến như: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện các dự án này chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu,… dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn này bị ngưng trệ do không có khối lượng thực hiện hoặc nếu có khối lượng thì gặp khó khăn trong việc xác nhận, nghiệm thu và thanh quyết toán.
Bên cạnh đó là tình trạng công tác tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn bị động trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án và tiếp nhận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; năng lực cán bộ làm công tác quản lý ODA còn hạn chế về chuyên môn mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính; nhất là về ngoại ngữ nên khả năng trao đổi, đàm phán trực tiếp với nhà tài trợ còn khó khăn. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA, dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình.
Chính sách của dự án ODA, vay vốn ưu đãi có nhiều quy định khác so với Việt Nam
Đặc biệt, theo TS. Lê Thị Mai Anh chính sách của dự án ODA, vay vốn ưu đãi có nhiều quy định khác so với Việt Nam. Đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, trên thực tế, các dự án ODA thường viện trợ không hoàn lại đối với gói thầu tư vấn lập dự án. Trong phần lớn các dự án ODA, công tác tư vấn, khảo sát, lập dự án đều do nhà tài trợ chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, hồ sơ do tư vấn lập thường sơ sài, chưa phù hợp với quy định về khảo sát lập dự án của Việt Nam, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện, làm phát sinh thời gian và tăng chi phí, tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, Hiệp định vay vốn ODA được ký giữa Chính phủ và nhà tài trợ có giá trị pháp lý cao, gồm điều khoản về thủ tục đấu thầu mà chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện và áp dụng “Sổ tay hướng dẫn mua sắm đấu thầu” do nhà tài trợ quy định nhưng có nhiều điểm khác biệt so với quy định của Luật Đấu thầu trong nước, như giá trúng thầu không bắt buộc phải nhỏ hơn giá gói thầu được duyệt; số lượng các ứng thầu có thể nhỏ hơn 3; không yêu cầu xử lý tình huống như Luật Đấu thầu của Việt Nam… Do đó, những quy định khác biệt dẫn đến tình trạng quy mô gói thầu quá lớn làm giảm số lượng các nhà thầu Việt Nam có đủ điều kiện tham gia dự thầu; quá trình lựa chọn nhà thầu vẫn được coi là hợp pháp dù chỉ có một ứng thầu tham gia dự thầu. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tình huống trong đấu thầu, kéo dài thời gian xét thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, TS. Lê Thị Mai Anh nói.
Việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra những hệ quả như, các dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Cụ thể như kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần và chậm, do đó, năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn nước ngoài trong phần ghi thu, ghi chi. Bên cạnh đó, việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các bộ, ngành, địa phương còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 được kéo dài, chuyển nguồn. Với một số nhà tài trợ (WB, ADB…), Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết đối với phần vốn vay chưa giải ngân. Việc chậm giải ngân trong giai đoạn 2016 – 2020 đã gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ về khả năng hấp thụ nguồn vốn này.