Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi một số quy định về mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài…
Trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý, có một số quy định về mức tiền xử phạt hành vi vi phạm được điều chỉnh tăng lên so với quy định hiện hành là Nghị định 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Nội dung được điều chỉnh mức xử phạt tăng nằm trong Mục 4 quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 23 của dự thảo Nghị định đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện theo đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ 70 -100 triệu đồng lên từ 100 - 200 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi này.
Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, dự thảo cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP như biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; sửa đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện quy định về chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định.
Ngược lại, cũng trong lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, có hành vi vi phạm được điều chỉnh mức xử phạt giảm xuống. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giảm mức xử phạt đối với hành vi lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ, lập báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định từ 20 - 30 triệu đồng xuống 10 - 20 triệu đồng so với luật hiện hành để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Trong dự thảo Nghị định cũng có giảm mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch là từ 500 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng bằng với mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Hai lĩnh vực đầu tư và đấu thầu có mức xử phạt tối đa bằng nhau là 300 triệu đồng.
Các quy định liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công cũng được đề xuất tăng mức xử phạt. Cụ thể, đối với hành vi không tuân thủ trình tự lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu thay vì 20-30 triệu quy định tại Nghị định hiện hành…
Đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nước, doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật. Chi tiết một số mức xử phạt vi phạm về điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam:
Phạt tiền từ 80 -100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện theo quy định. Kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Nhà đầu tư chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định; Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
HÀ ANH