Cuối tháng 9/2023, Baemin Việt Nam đã dừng hoạt động tại một số địa phương như Hội An, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Trong khi năm ngoái, hãng giao đồ ăn Hàn Quốc có mặt tại 21 tỉnh thành, thì nay đã thu hẹp đáng kể.
Dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức đóng cửa toàn bộ, hay bán mình, nhưng nguồn tin của TheLEADER cho biết, Baemin Việt Nam có thể cắt giảm tới hơn 50% nhân sự trong giai đoạn này.
Nguồn cơn của động thái trên đến từ việc từng xuất hiện thông tin phía Grab đã hỏi mua lại Baemin Việt Nam vào năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay thương vụ vẫn chưa diễn ra. Khi được hỏi về thông tin trên, phía Baemin Việt Nam từ chối đưa ra bình luận.
Trong một email gửi tới nhân viên Baemin Việt Nam, CEO tạm quyền là bà Cao Thị Ngọc Loan cho biết khả năng thu hẹp hoạt động tại Việt Nam, bởi thị trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam.
Việc Baemin thu hẹp hoạt động đồng nghĩa thị trường gọi xe công nghệ sắp tới sẽ có những biến động đáng kể và không loại trừ khả năng các hãng gọi xe sẽ chia lại thị phần.
Công ty mẹ của Baemin là Delivery Hero - "gã khổng lồ" ngành dịch vụ giao đồ ăn của Đức, đã thu hẹp quy mô hoạt động ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nhằm tinh gọn và linh hoạt bộ máy.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của hãng nghiên cứu Statista, thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một "sân chơi" màu mỡ, khi tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2022.
Về thị phần, Baemin nắm giữ 12% thị phần giao đồ ăn vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 45% của Grab và 41% của ShopeeFood.
Gojek đã mở rộng hoạt động tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai
Baemin bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ giữa năm 2019 sau khi hoàn tất thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Vietnammm. Đến nay, bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.
Sau khi Baemin Việt Nam thu hẹp hoạt động, cả Grab và ứng dụng gọi xe Be đều đang "án binh bất động". Trong khi đó, Gojek và tay chơi mới là Xanh SM tỏ ra năng nổ hơn.
Trung tuần tháng 11, Gojek đã mở rộng hoạt động tại tỉnh Bình Dương (thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một) và Đồng Nai (thành phố Biên Hòa), được đánh giá là các tỉnh lân cận TP. HCM và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.
Các dịch vụ mà Gojek mang tới cho người tiêu dùng bao gồm: dịch vụ vận chuyển (gọi xe hai bánh GoRide và xe bốn bánh GoCar), giao đồ ăn (GoFood), và giao hàng (GoSend).
Ông Sumit Rathor - Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam cho biết: "Việc Gojek mở rộng hoạt động đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh doanh dài hạn, cũng như thể hiện cam kết phục vụ người dùng trên toàn quốc của chúng tôi tại Việt Nam".
Theo ông Sumit Rathor, việc Gojek mở rộng chủ yếu đến từ những chiến lược kinh doanh dài hạn, cùng với sự tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thay đổi của người dùng.
Gojek mở rộng hoạt động sau khi thực hiện thành công một số dự án vào năm nay, bao gồm thí điểm sử dụng xe máy điện phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng tại TP. HCM thông qua hợp tác với các công ty xe máy điện, đưa tính năng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood lên nền tảng MoMo.
Gojek hiện đang kết nối người dùng tại Việt Nam với hệ sinh thái các đối tác cung cấp dịch vụ, bao gồm khoảng 200.000 đối tác tài xế.
Xanh SM muốn mở rộng quy mô lên đến 90.000 xe máy điện ngay trong năm 2023
Trong khi đó, CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh tin rằng, xe máy điện sẽ thay đổi thị trường gọi xe với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi.
Chủ quản của nền tảng Xanh SM gần đây đã mở rộng tại thị trường TP. HCM, đồng thời hướng tới mục tiêu phủ sóng tại 6 tỉnh, thành phố và mở rộng quy mô lên đến 90.000 xe máy điện ngay trong năm 2023.
Theo ông Thanh, lợi thế của Xanh SM là phát triển hệ sinh thái dịch vụ xe điện từ đầu, thay vì dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện như các ứng dụng lớn trên thế giới như Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola.
Theo ông Thanh, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về tỉ lệ sở hữu xe máy, với ước tính hơn 42 triệu chiếc. Và cứ mỗi năm thị trường Việt Nam lại tiêu thụ thêm 3 triệu xe, chủ yếu là xe máy xăng.
Do đó, nếu đưa vào vận hành xe máy điện, người dùng cũng như tài xế sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành, đồng thời hạn chế được việc xả thải ra môi trường.
Thực tế, trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường gọi xe Việt Nam không có nhiều biến động về mặt thị phần - nhất là khi nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu luôn là: Grab, Be, Gojek. Tân binh góp mặt gần nhất là Baemin.
Theo báo cáo của ABI Research trong nửa đầu năm 2020, Grab là ứng dụng chiếm thị phần số một - lên tới 74,6%, với với việc hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe. Ứng dụng Be nắm giữ vị thế số 2 với thị phần 12,4%, còn Gojek là 12,3%.
Sau đó khoảng một năm, chênh lệch thị phần giữa Grab Việt Nam và các ứng dụng khác dần được thu hẹp. Khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 cho thấy, Grab chỉ còn chiếm khoảng 60% thị phần gọi xe, Gojek chiếm 19%, và ứng dụng Be là 18%.
Do đó, để thay đổi "cuộc chơi" - hay chiếm lĩnh thị phần gọi xe vốn đã được phân chia sẵn chắc chắn sẽ là thách thức với một tân binh như Xanh SM.
Việt Hưng