Cơ hội khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Số lượng các startups (công ty khởi nghiệp) trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đã tăng gần gấp 5 lần trong 3 năm qua. Xu hướng và cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang rộng mở khi Chính phủ và doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm.

Theo dữ liệu của PitchBook Data Inc, Việt Nam hiện có 765 startup AI và ML (học máy). Số startup này chiếm khoảng một phần tư tổng số startup (hơn 3.000 startup) đủ các ngành công nghệ tại Việt Nam. Với con số này, Việt Nam đứng thứ hai về số lượng startup AI ở Đông Nam Á, xếp sau Singapore với 1.100 startup AI trên tổng số 4.500 startup.

Nở rộ mô hình khởi nghiệp AI

Công nghệ thông tin vốn là một trong những lợi thế của Việt Nam. Trên nền tảng này, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới là AI ngay từ khi Chính phủ và nhiều tập đoàn lớn dành nhiều sự quan tâm để thúc đẩy.

Vbee là một trong những startup có tiếng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI hội thoại. Ra đời từ năm 2918, Vbee AIVoice API có khả năng nghe, hiểu và đáp lại phản hồi bằng tiếng nói (callbot) hoặc văn bản (chatbot). Hai công cụ AI khác có thể chuyển văn bản thành giọng nói hoặc lồng tiếng cho các clip.

Tốt nghiệp tại Pháp và đang giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Trang là nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ (CTO) của Vbee. Chị cho biết, AI lúc chưa phát triển thì chất lượng trợ lý ảo rất thấp và rất máy móc. Khi AI tạo sinh (Gen AI) ra đời, các giải pháp của Vbee đã nhanh chóng được xử lý và hoàn thiện, từ đó các hội thoại tự nhiên hơn.

Tại chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Vietnam 2024 (QVIC 2024) vừa qua, Vbee là quán quân, nhận được tiền thưởng 100.000 USD.

Sử dụng nền tảng điện toán đám mây, startup này đã cung cấp các giải pháp hội thoại AI cho hơn 300 doanh nghiệp và phục vụ hơn hai triệu người dùng cuối, tạo ra một hệ sinh thái AI riêng. Ngọc Huyền - giọng nữ Hà Nội đọc tin tức, Thảo Trinh - giọng Sài Gòn cho các podcast, Hoàng Dũng - giọng nam Hà Nội đều là “sản phẩm” của Vbee. Các báo điện tử hay các video clip trên mạng thường sử dụng ba giọng đọc này. Vbee AIVoice còn có thể nói được 40 ngôn ngữ khác, thông qua 200 giọng đọc ảo, với đầy đủ cung bậc cảm xúc như con người.

Trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (Protech), AirCity tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 như IoT và AI trong quản lý và vận hành bất động sản, cụ thể là các tòa nhà chung cư, văn phòng, tòa nhà cho thuê tại các thành phố lớn.

Ra đời từ vườn ươm IEC-VNU (Trung tâm khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và được quỹ đầu tư toàn cầu ANTLER (Singapore) rót vốn vào đầu năm 2021, AirCity phát triển và mang tới giải pháp quản lý vận hành tòa nhà trọn gói dựa trên nền tảng công nghệ cho các chủ đầu tư, chủ nhà trọ, căn hộ dịch vụ.

Ý tưởng được khởi đầu từ năm 2021 và đến hiện tại, AirCity đang cung ứng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà cho hơn 50 địa điểm tại 3 thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ.

Vbee và AirCity là 2 trong số rất nhiều startups AI bước đầu thành công ở Việt Nam. Nhìn nhận về con số vài trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực này, GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ cho rằng, với tốc độ đầu tư và phát triển vào công nghệ AI đang tăng lên nhanh chóng như hiện nay, đây sẽ là những viên gạch quan trọng để kiến tạo nhiều giá trị mới từ công nghệ này đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên con số này chưa thật sự lớn và chất lượng của startups cũng là vấn đề đáng bàn. “AI không nên trở thành một trào lưu khởi nghiệp “sớm nở tối tàn” mà cần có những chiến lược dài hơi hơn để nuôi dưỡng và phát triển các startups có chất lượng một cách hiệu quả”, GS, TS Chử Đức Trình nói.

Chờ đợi những đột phá mới

AI vốn là “sân chơi” của những ông lớn với tiềm lực cả về vốn và con người. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, AI chỉ trở thành lợi thế khi doanh nghiệp biết đánh giá, lựa chọn hướng đi ngách phù hợp. Thực tế cho thấy, các mô hình thành công đều phải dựa trên “công nghệ lõi” của chính doanh nghiệp. Song yếu tố quan trọng hơn chính là sự kiên trì để “educate” (giáo dục) thị trường của doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Thu Trang, CTO Vbee, đã qua rồi thời mà startups công nghệ “đốt tiền” để mong “đánh nhanh thắng nhanh”. “AI không phải là câu chuyện dễ dàng với doanh nghiệp khởi nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp biết lựa cơm gắp mắm, tận dụng mọi thời cơ, sử dụng nguồn lực một cách hợp lý để phát triển công nghệ mới có cơ hội tồn tại được”.

GS, TS Chử Đức Trình cho rằng: “Việt Nam cần phải đi ngược lại thực tế chung - tức làm sao để startups AI khởi nghiệp thành công nhiều hơn thất bại. Các chính sách của Chính phủ, của các bộ, ngành sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các startups trong nước vươn lên mạnh mẽ. Nếu muốn ủng hộ doanh nghiệp khởi nghiệp AI phát triển, Chính phủ cần có những chính sách tạo điều kiện thiết thực cho họ. Startups không thể cam kết gì cả nhưng chúng ta hãy cứ ủng hộ đam mê khởi nghiệp của họ. Khi họ đã thành công, những thành quả họ trả lại xã hội chắc chắn sẽ nhiều hơn đầu tư ban đầu cho họ”.

Một trong những tín hiệu tích cực là mới đây, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA hợp tác với Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và Trung tâm Dữ liệu AI ở nước ta. Đây sẽ là cơ hội để AI ở Việt Nam có những bước tiến rất nhanh và những startups AI sẽ không nằm ngoài xu hướng đó.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang khẳng định thế giới công nghệ đang khởi động lại vì AI, đây là cơ hội tuyệt vời, thời điểm quan trọng của Việt Nam khi ngành AI đang trải qua những thay đổi sâu sắc nhất, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, sản phẩm, doanh nghiệp mới, thúc đẩy tăng trưởng. AI là công nghệ mới đang thay đổi dữ liệu của tất cả các quốc gia, dữ liệu phải được coi là nguồn tài nguyên quốc gia, Việt Nam cần xử lý dữ liệu của riêng mình và biến dữ liệu này thành AI Việt Nam, cho các ngành công nghiệp và xã hội Việt Nam.

Goldman Sachs Economic Research chỉ ra, đầu tư toàn cầu vào công nghệ AI đang tăng lên nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này trên toàn thế giới là vô cùng lớn, tuy nhiên tỷ lệ thành công không nhiều.

Bước tiến trong chống ô nhiễm nhựa

Bước tiến trong chống ô nhiễm nhựa

Cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa của nhân loại đã đạt được bước tiến khả quan, khi tại vòng đàm phán quốc tế cuối cùng về một thỏa thuận mang tính ràng buộc liên quan quy định về ô nhiễm nhựa tại Hàn Quốc, gần 60 quốc gia đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt tình trạng này.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.