Các nghiên cứu toàn cầu dự báo rằng AI sẽ tăng năng suất lao động toàn cầu thêm 40% vào năm 2035, mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện hiệu quả công việc và học tập...
Chiều ngày 26/12, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức sự kiện ABAII Unitour lần thứ 20 tại Trường Đại học Ngoại Thương (FTU) với chủ đề “Blockchain và AI – Trợ lý ảo trong học tập và nghiên cứu”.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 300 giảng viên, sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và pháp lý. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận gần hơn với các ứng dụng thực tiễn của công nghệ trong học tập và nghề nghiệp tương lai.
AI GIÚP TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TOÀN CẦU THÊM 40%
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết: “Tiềm năng của Blockchain và AI là không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ này vào các ngành nghề không chỉ mang tính xu hướng mà thực sự thiết yếu, tạo ra những đột phá trong học tập, nghiên cứu và làm việc thực tiễn. Đây chính là cơ hội để thế hệ trẻ nắm bắt và vươn xa trong kỷ nguyên số".
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cũng bày tỏ kỳ vọng thông qua sự kiện này sẽ giúp sinh viên của FTU trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) khẳng định, VBA và ABAII sẽ luôn đồng hành cùng đội ngũ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại thương trong quá trình tìm kiếm và nâng cao tri thức, tiếp cận với các tài liệu, khóa học và cung cấp bài giảng chuyên sâu liên quan đến Blockchain và AI.
TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện ABAII đã có bài trình bày tại sự kiện với chủ đề “Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong học tập”. Ông Lương cho biết, AI đang tác động rõ nét lên thị trường lao động. Theo OpenAI, có 300 triệu việc làm toàn thời gian bị ảnh hưởng do tự động hóa, và 2/3 công việc ở Mỹ sẽ được tự động hóa một phần nhờ vào AI. Còn theo Microsoft, cứ 4 người thì có 3 người đang sử dụng AI tại nơi làm việc và mức sử dụng AI tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua.
Thực tế, các nghiên cứu toàn cầu dự báo rằng AI sẽ tăng năng suất lao động toàn cầu thêm 40% vào năm 2035, mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện hiệu quả công việc và học tập.
“AI không chỉ hỗ trợ cá nhân hóa trải nghiệm học tập mà còn mang lại các giải pháp hiệu quả trong việc nghiên cứu pháp lý và giải quyết các vấn đề phức tạp trong ngành luật”, ông Lương nhấn mạnh.
Ông Lương cũng giới thiệu sản phẩm AI Tra cứu Luật – Trợ lý Pháp lý ảo do Viện ABAII phát triển. Sản phẩm được thiết kế nhằm giúp sinh viên, luật sư và những người làm việc trong lĩnh vực pháp lý dễ dàng tra cứu các văn bản luật và thông tin pháp lý chính xác, nhanh chóng. Đây là một minh chứng cho thấy tiềm năng của công nghệ AI trong việc hỗ trợ nghiên cứu và hành nghề pháp lý.
Theo đó, AI Tra cứu Luật đã hỗ trợ hơn 6.000 người dùng hàng ngày, trả lời 350.000+ câu hỏi và truy xuất hơn 1.500+ văn bản pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong khi đó TS. Nguyễn Trung Thành, Nhà sáng lập Trustkey Network, mang đến góc nhìn khái quát nhất về chủ đề “Blockchain đang thay đổi tương lai như thế nào?”. Ông Thành nhấn mạnh, Blockchain không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính mà còn mở ra tiềm năng lớn trong quản lý tài sản số, bảo mật thông tin và giáo dục.
“Blockchain không chỉ thay đổi cách chúng ta lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, mà còn mở ra những cơ hội chưa từng có trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tài sản số”, ông Thành chia sẻ.
TÁI ĐỊNH HÌNH CÁCH THỰC HÀNH PHÁP LUẬT?
Tiếp nối bài trình bày của các chuyên gia là phiên thảo luận, đối thoại trực tiếp với các diễn giả qua chủ đề “Blockchain và AI trong ngành luật”. Không thể phủ nhận vai trò và những lợi ích mà AI mang lại, tuy nhiên một câu hỏi mà đa số sinh viên ngành luật rất quan tâm và đặt ra là: “Liệu AI có thể thay thế được luật sư, thẩm phán trong tương lại không?”
Giải đáp trăn trở này, TS. Nguyễn Hoàng Mỹ Linh, giảng viên Trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh: “AI không thay thế luật sư, nhưng nó sẽ tái định hình cách chúng ta thực hành pháp luật – nhanh hơn, chính xác hơn và minh bạch hơn". Bà cũng lưu ý rằng sinh viên ngành luật cần tập trung phát triển kỹ năng tư duy phản biện và phân tích để bổ trợ cho công nghệ.
Bàn thêm về vai trò của AI, TS. Lê Linh Lương gợi mở cho sinh viên FTU: "Thay vì lo lắng bị AI thay thế thì hãy chủ động trang bị thêm kiến thức để biến AI trở thành một công cụ, một người bạn đồng hành đáng tin cậy, nhằm nâng cao hiệu quả học tập và làm việc, hướng tới tương lai trở thành những luật sư, chuyên gia pháp lý xuất sắc".
Phiên thảo luận tiếp tục sôi nổi với chủ đề pháp lý liên quan tới Blockchain - đề tài được sinh viên FTU quan tâm với mong muốn được cung cấp thêm thông tin về nền tảng công nghệ tiên tiến này.
Bà Lê Vũ Hương Quỳnh, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tether chia sẻ: “Những thách thức pháp lý mà Blockchain đối mặt như sự không đồng nhất trong quy định và lo ngại về quyền riêng tư, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành công nghiệp và giáo dục. Tether đã và đang đóng góp bằng cách thúc đẩy nhận thức pháp lý, phát triển công nghệ minh bạch và bảo mật, cũng như hỗ trợ các sáng kiến giáo dục để chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ chuyên gia pháp lý tương lai”.
Đồng tình với ý kiến của bà Quỳnh, ông Phạm Gia Khánh, Giám đốc Công nghệ Nippy Labs, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ cả khía cạnh kỹ thuật lẫn pháp lý khi triển khai Blockchain: “Thành công trong ứng dụng Blockchain không chỉ dựa vào công nghệ tiên tiến, mà còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật và bảo đảm an toàn dữ liệu ngay từ đầu”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Blockchain và AI trong việc định hình tương lai của các ngành nghề, đặc biệt là ngành luật.
Để không bị bỏ lại phía sau, lời khuyên dành cho sinh viên FTU nói riêng và lao động Việt Nam nói chung là cần phải nhanh chóng nắm bắt xu thế, trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường. Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam kịp thời hội nhập quốc tế, làm chủ công nghệ bằng đội ngũ nhân sự chất lượng cao.
ABAII Unitour là sáng kiến của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, thành viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhằm phổ cập Blockchain và AI đến cộng đồng sinh viên trên cả nước.
Tính đến tháng 12/2024, ABAII Unitour đã tổ chức thành công 21 chương trình tại các trường Đại học uy tín trên cả nước như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương...
Dự kiến đến năm 2025, chương trình sẽ tổ chức 30 sự kiện, tiếp cận ít nhất 100.000 sinh viên, mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong kỷ nguyên số cho lực lượng lao động trẻ của đất nước.