6/10 ô tô lăn bánh trên đường phố Thượng Hải là xe điện, từ xe bus, taxi đến xe cá nhân, từ Tesla, BYD, MG đến vô vàn thương hiệu nội địa khác.
Đó là điều tôi tận mắt chứng kiến trong chuyến công tác thành phố Thượng Hải đầu tháng 8 vừa qua. Câu hỏi đặt ra là chính phủ Trung Quốc nói chung, chính quyền Thượng Hải nói riêng đã làm gì để những chiếc xe điện “lấp đầy” trên đường phố như thế?
Xe điện là mục tiêu Quốc gia
Nhìn ở góc độ vĩ mô, sự bùng nổ của ngành công nghiệp xe điện xuất phát từ bàn đạp mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc. Năm 2021, chính phủ đưa nghiên cứu công nghệ xe điện vào danh sách dự án nghiên cứu khoa học ưu tiên trong kế hoạch 5 năm và đặt mục tiêu nâng doanh số xe điện chiếm 45% tổng doanh số xe mới vào năm 2027.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu của hãng sản xuất ô tô Trường An, nơi được xây dựng trên khu phức hợp rộng lớn ở ngoại ô Trùng Khánh, được coi là minh chứng điển hình cho sự chuyển hướng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Hãng xe quốc doanh thành lập từ năm 1862, nay đã chuyển sang liên doanh với các thương hiệu quốc tế như Mazda và Ford.
Quảng cáoNgày nay, Trường An là nhà sản xuất xe điện lớn thứ 8 tại Trung Quốc. Các cửa hàng trưng bày của hãng tràn ngập xe điện, từ dòng xe đô thị nhỏ gọn như đồ chơi, xe thể thao thương hiệu hạng sang, đến xe SUV hybrid cỡ lớn chạy bằng pin CATL và công nghệ Huawei. Hãng dự định dừng sản xuất động cơ đốt trong vào năm 2025 để tập trung hoàn toàn vào xe điện và xe hybrid.
"Mục tiêu điện hoá phương tiện có thể sớm đạt được nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục xác định công nghiệp xe điện là ngành đáng để đầu tư", Giáo sư Tinglon Dai của Đại học Johns Hopkins nhận định. "Đây có thể nói là lĩnh vực hiếm hoi mà Trung Quốc gần như dẫn đầu thế giới, với chất lượng cao, giá thấp, chưa nói đến mức độ đa dạng đến chóng mặt. Đây là một trong những cơ hội lớn để thống trị một thị trường đang được đánh giá rất cao, và cũng rất phù hợp các các mục tiêu môi trường của phương Tây".
Tuy nhiên, Dai cho rằng, sẽ thật sai lầm khi nghĩ Trung Quốc đẩy mạnh lĩnh vực này đơn thuần vì lý do môi trường hay kinh tế. Vị giáo sư nhận định đây đúng hơn là một động thái địa chính trị, một cách để vươn lên thống trị chuỗi cung ứng của một ngành có vị thế. Thậm chí ngay cả khi mất tiền cũng xứng đáng.
Những “ưu ái” của chính phủ Trung Quốc đối với xe điện
Từ 2009 đến 2022, Trung Quốc mạnh tay chi hàng tỷ nhân dân tệ vào các chương trình hỗ trợ và giảm thuế, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện ở nhiều thành phố. Bên cạnh các chính sách tài chính, chính phủ nước này đồng thời thiết kế các giải pháp khuyến khích người mua.
Yang Hui – một công dân đang sống ở thành phố Thượng Hải kể với chúng tôi: “Thượng Hải là một trong 4 thành phố của Trung Quốc hạn chế người dân mua xe chạy xăng bằng phương thức áp hạn ngạch đăng ký biển số. Giả dụ như anh muốn mua một chiếc xe chạy xăng thì phải tham gia đấu giá để được đăng ký biển số, tiền đấu giá có khi lên tới 15 ngàn đô một biển. Nhưng nếu mua xe điện, anh được ưu tiên cấp biển số mà không phải qua đấu giá. Vậy thì tội gì không chuyển qua mua xe điện”.
“Không những thế, người dân ở đây khi mua xe điện còn được Chính phủ trợ giá nữa. Nghĩa là anh cứ mua một chiếc xe điện thì được Chính phủ hỗ trợ mức 10.000 NDT, hoặc đổi xe cũ lấy xe điện/hybrid mới sẽ được trợ giá 20.000 NDT (xấp xỉ 70 triệu đồng) mỗi xe” – Yang Hui nói thêm.
Bên cạnh người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng hưởng lợi. Một phân tích do Nikkei Asia thực hiện trong 2023 cho thấy, 5 trong số 10 hãng xe nhận được phần lớn trợ cấp từ chính phủ trong nửa đầu năm là các nhà sản xuất xe điện và pin xe điện nội địa. BYD - hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc - nhận được hơn 244 triệu USD, trong khi SAIC có hơn 275 triệu USD.
Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ cho những sáng tạo trong lĩnh vực này, cung cấp những hợp đồng thu mua với một loạt hãng xe điện mới nhằm giúp họ đứng vững và duy trì hoạt động.
Cùng với việc hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ôtô, Trung Quốc còn ưu tiên và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho xe điện. Quốc gia này có 1,8 triệu điểm sạc xe điện công cộng: nhiều hơn 14 lần so với ở Mỹ, dù dân số chỉ hơn 4 lần. Tập đoàn điện lực là nhà cung cấp lớn điểm sạc và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho tài xế sạc xe.
Có một điều rất lạ là trong 4 ngày tại Thượng Hải, tôi không mấy khi bắt gặp một trạm sạc dành cho xe điện. Nhìn từ trên xe bus, trên cao tốc hay đi bộ trên các con phố lớn, khó có thể nhìn thấy một trạm sạc dành cho xe điện. Các dãy xe đỗ dọc các con đường cũng có rất nhiều xe điện, nhưng ở đây không cung cấp các trạm sạc dù là công suất nhỏ. Hỏi ra mới biết, người ta xây dựng những khu vực riêng để sạc cho xe điện, với số lượng slot lớn và phục vụ nhiều xe điện một lúc. Chúng có thể ở trong các hầm đỗ xe hoặc là bãi đỗ xe ngoài trời, ẩn sau các con phố chính.
Với số lượng xe điện tăng chóng mặt tại các thành phố lớn, các khu vực sạc xe điện cũng phủ sóng rất nhanh tại thị trường tỷ dân. Nhìn cách phát triển hệ thống trạm sạc thiên về hiệu quả hơn là giới thiệu sự tiện lợi của việc "sạc mọi nơi" của xe điện tại Trung Quốc, có thể thấy người dân nước này nói chung, người dân ở Thượng Hải nói riêng đã dần coi xe điện mà một phương tiện giao thông bình thường.
Trong 5 tháng đầu 2024, hơn 3,3 triệu xe sạc điện được đăng ký ở Trung Quốc (tăng 32% so với cùng kỳ 2023), chiếm 41% toàn thị trường. Trong 2023, hơn 8 triệu xe sạc điện mới đăng ký ở quốc gia này (tăng 46% so với 2022) và chiếm 37% tổng thị trường.
Với khởi đầu mạnh mẽ, năm nay được kỳ vọng có kết quả tốt hơn 2023, với doanh số của dòng xe sạc điện dự kiến đạt trên 10 triệu chiếc. Trong đó, phần lớn doanh số được ghi nhận ở nửa cuối năm.
Thế Đạt (từ Thượng Hải)