Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố danh sách 7 quốc gia mà họ coi là "an toàn", qua đó đẩy nhanh quá trình hồi hương người di cư bằng cách hạn chế công dân của các quốc gia đó khi xin tị nạn trong khối.
Trong thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, đang đề xuất chỉ định Kosovo, Bangladesh, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Morocco và Tunisia là các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất xứ an toàn. Động thái này nhằm cho phép chính phủ các nước thành viên EU xử lý đơn xin tị nạn được nộp từ công dân của các quốc gia và vùng lãnh thổ đó nhanh hơn.
EU đang chịu áp lực phải siết chặt tình trạng nhập cư bất hợp pháp và thúc đẩy hồi hương, sau khi dư luận trong khối về vấn đề người di cư trở nên tiêu cực và thúc đẩy phe cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tương lai của Đức giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả đã nhất trí về các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp, bao gồm từ chối những người xin tị nạn tại biên giới, cho phép trục xuất và đình chỉ các cuộc đoàn tụ gia đình.
Hồi tháng 10/2024, dưới sự lãnh đạo của những người theo đường lối cứng rắn ở Thụy Điển, Italy, Đan Mạch và Hà Lan, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi ban hành luật mới vào tháng 10 để đẩy nhanh việc hồi hương người tị nạn, ngăn tình trạng di cư bất hợp pháp. Đáp lại, tháng trước, EC đã công bố kế hoạch cải cách hệ thống hồi hương, mở đường cho các quốc gia thành viên thành lập các trung tâm hồi hương người di cư bên ngoài EU. Theo dữ liệu của EU, hiện tại, chưa đến 20% những người nhận được lệnh rời khỏi khối được hồi hương về quốc gia ban đầu của họ.
Từ đầu năm đến nay, làn sóng di cư từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, với hàng trăm người thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải, trong đó có nhiều trẻ em. Giải pháp hồi hương người tị nạn, di cư bất hợp pháp về 7 quốc gia nói trên được xem là khả dĩ nhất hiện nay khi phần nào dập tắt hy vọng của những người muốn tìm “miền đất hứa”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là biện pháp tạm thời, bởi gốc rễ của tình trạng di cư chính là đói nghèo và xung đột. LHQ chỉ rõ, xây dựng hòa bình, thúc đẩy ngoại giao và hỗ trợ xây dựng kinh tế mới là đáp án cho bài toán di cư.
AN LINH