Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), trẻ em tiếp tục là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới từ năm 2023 đến nay. LHQ kêu gọi tất cả các bên xung đột thực thi các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Theo AFP, trong báo cáo mang tên “Trẻ em trong xung đột vũ trang”, LHQ đã đưa hai phe đối lập ở Sudan là Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vào danh sách đen vì "tàn sát và gây thương tật cho trẻ em cũng như gây ra các cuộc tấn công vào trường học và bệnh viện". Ngoài ra, danh sách đen của LHQ năm nay còn có Hamas vì vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, cũng như quân đội Israel vì chiến dịch trả đũa chống lại Hamas ở Dải Gaza.
Báo cáo của LHQ cho biết: “Năm 2023, bạo lực đối với trẻ em trong xung đột vũ trang đã lên đến mức cực đoan, với mức tăng đáng kinh ngạc là 21% số vụ bạo lực nghiêm trọng”. Tình trạng bạo lực nhằm vào trẻ em trong năm 2023 xảy ra tại khoảng 20 vùng xung đột trên thế giới, bao gồm Dải Gaza và Sudan. Trong đó, số vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra ở mức đáng báo động, với 30.705 vụ trong năm 2023, bao gồm 5.301 vụ giết người, 6.348 vụ bị thương, 8.655 trường hợp trẻ em được tuyển dụng và sử dụng trong các cuộc xung đột, 5.205 vụ từ chối tiếp cận nhân đạo và 4.356 vụ bắt cóc. Hầu hết các vụ việc được ghi nhận trong các cuộc xung đột ở Dải Gaza, CHDC Congo, Burkina Faso, Syria, Somalia, Nigeria, Sudan...
“Chúng tôi chưa bao giờ xác minh được nhiều vi phạm đối với trẻ em như năm 2023. Trẻ em phải gánh chịu các cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng và leo thang. Bằng cách gây xung đột, các bên tham chiến đã thể hiện coi thường hoàn toàn các quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống vốn có”, một quan chức của LHQ cho biết. Báo cáo cũng chỉ ra 6 loại bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em, gồm gây thương vong, xâm hại tình dục, bắt cóc, tuyển mộ và sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột, cản trở tiếp cận viện trợ nhân đạo và tấn công trường học, bệnh viện.
Chỉ tính riêng tại Trung Đông, số vụ bạo lực nghiêm trọng đối với trẻ em trong năm 2023 tăng 155% so năm 2022. Cụ thể, LHQ xác minh 43 trẻ em Israel đã thiệt mạng ở Israel và Bờ Tây trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, và tổng cộng 47 trẻ em Israel đã bị Hamas và các nhóm Palestine khác bắt cóc. Báo cáo cũng xác nhận cái chết của 2.141 trẻ em Palestine ở Dải Gaza vào năm 2023, với 2.051 trẻ thiệt mạng trong khoảng thời gian từ ngày 7/10 đến ngày 31/12. Hơn 23.000 báo cáo về hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em - 3.900 trẻ em Israel và 19.887 trẻ em Palestine - của tất cả các bên trong cuộc xung đột vẫn chưa được xác minh.
Trong khi đó, tại Sudan, số vụ bạo lực cũng ghi nhận tăng 480% giữa năm 2022 và 2023. Tổng Thư ký LHQ Guterres cho biết: “Tôi kinh hoàng trước sự gia tăng đáng kể các vi phạm nghiêm trọng ở Sudan”. Ông Guterres cũng đồng thời lưu ý sự gia tăng các cuộc tấn công có động cơ sắc tộc và di dời hàng loạt trẻ em ở quốc gia châu Phi này.
Tại CHDC Congo, ước tính hơn 2,8 triệu trẻ em bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, trở thành nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp, bắt cóc, ép buộc đi lính và thậm chí bị sát hại. Đáng chú ý, hai bé gái song sinh ở Congo từng bị phiến quân đeo đai thuốc nổ vào người để gài bẫy lực lượng an ninh, may mắn là các chuyên gia rà phá bom mìn đã vô hiệu hóa thành công khối thuốc nổ.
Tổng Thư ký LHQ đã bày tỏ sự bàng hoàng và thất vọng trước sự gia tăng mạnh mẽ số vụ bạo lực nghiêm trọng. Ông lên tiếng kêu gọi tất cả các bên xung đột thực thi các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Theo ông Guterres, sự gia tăng số vụ bạo lực chủ yếu là do các cuộc xung đột vũ trang mở rộng quy mô và mức độ, việc sử dụng vũ khí ở khu vực đông dân cư, sự nổi lên của các nhóm vũ trang mới, tình trạng khẩn cấp về nhân đạo cũng như không tuân thủ luật lệ quốc tế.
TRẦN ANH