Trong nước, các ngân hàng đều đang cắt giảm hạn mức cho vay với doanh nghiệp sợi khiến ngành này vấp phải nhiều khó khăn. Không những vậy, ngành hàng này mới đây cũng nhận được thông báo điều tra tự vệ toàn cầu khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
BỊ CẮT GIẢM HẠN MỨC CHO VAY
Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, trong suốt 18 tháng qua, ngành khó khăn là ngành sản xuất nguyên liệu.
Trong đó, ngành sợi toàn thế giới là lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 khó hơn. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn.
Hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023, tính chung giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay chỉ khoảng 20%, năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.
Đối với nhóm sợi, nhiều đơn vị đối với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước khoảng 9%.
"Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi".
Vị lãnh đạo này nêu thêm dẫn chứng, ngành sợi của chúng ta hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản như đầu tư mới khoảng 6 tỷ đô, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ đô và hiện nay mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu đô.
Bên cạnh đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD. Đặc biệt, ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện.
Theo Chủ tịch Vinatex, đây là câu chuyện của chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi đều bị như vậy nên cần tiếp tục hỗ trợ trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất quay trở lại tỷ lệ huy động của họ.
Ngoài ra, lãi suất hiện giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Mặt khác, thực tế thị trường năm 2023 khó khăn hơn nhiều so với năm 2021, 2022 do Trung Quốc mở cửa và họ là quốc gia cạnh tranh lớn nhất của thế giới. Đến tháng 12/2023, báo cáo của Trung Quốc cũng mới chỉ huy động được 60% công suất ngành dệt may nên họ tiếp tục chính sách hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ huy động này.
"Câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ Covid – 19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu. Và chính sách cuối cùng liên quan đến tỷ giá, với mức 2 năm vừa rồi chỉ giảm 5% thì các ngành xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn so với các quốc gia khác. Chúng tôi cũng không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% thì ít và khó cho các ngành xuất khẩu phục hồi", ông Trường cho hay.
XUẤT KHẨU SANG MỸ GẶP KHÓ
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của xơ sợi Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 2 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu xơ sợi sang Mỹ cán mốc 30,4 triệu USD, tương đương với 24.598 tấn, tăng 155% về lượng và tăng 508% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh mức tăng trưởng khả quan, ngành này cũng đang gặp khó. Mới nhất, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste (Fine Denier Polyester Staple Fiber) có mã HS. 5503.20.0025.
Vụ việc được USITC khởi xướng điều tra ngày 28/2 theo đơn đề nghị từ các nhà sản xuất sợi staple nhân tạo từ polyester của Mỹ bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers; Nan Ya Plastics Corp, America và Sun Fiber LLC.
Nguyên đơn cáo buộc việc nhập khẩu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester đã tăng mạnh so với sản xuất và tiêu thụ nội địa, gây ra thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới ngành sản xuất trong nước.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, theo thông báo của USITC, các bên có 21 ngày (kể từ ngày đăng công báo Liên bang) để đăng ký tham gia và nhận thông tin về vụ việc. USITC dự kiến sẽ tổ chức 1 phiên tham vấn về thiệt hại và 1 phiên tham vấn về biện pháp áp dụng.
USITC dự kiến ban hành kết luận về thiệt hại vào ngày 9/7 và sẽ báo cáo lên Tổng thống xem xét, quyết định trong vòng 180 ngày kể từ ngày nộp đơn, dự kiến vào ngày 26/8.
Trước đó, năm 2017, sản phẩm này đã bị Mỹ điều tra chống bán phá giá với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam; điều tra chống trợ cấp với Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó, Việt Nam được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo đề nghị của nguyên đơn. Hiện nay, sản phẩm từ các nước, vùng lãnh thổ nói trên (trừ Việt Nam) vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Theo số liệu của USITC, trong giai đoạn 2021 - 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Mỹ xấp xỉ 5,9 triệu USD. Riêng năm 2023 là 5,2 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ và chiếm 3% tổng thị phần nhập khẩu vào Mỹ.
Được biết, Mỹ là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Đồng thời là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam với tổng cộng hơn 50 vụ việc điều tra phòng vệ bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Ngọc Nhi