Không phải Trung Nguyên, Outspan Việt Nam mới là công ty xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan nhiều nhất Việt Nam

Với giá trị xuất khẩu hơn 100 triệu USD, Outspan Việt Nam đã vươn lên thành doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan lớn nhất niên vụ 2022 – 2023…

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), kết thúc niên vụ 2022 - 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021 - 2022.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức 4,1 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỷ USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), giá trị xuất khẩu khoảng 510 triệu USD. Khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022 - 2023.

Đứng đầu kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan là Outspan Việt Nam. Đây là công ty con của tập đoàn nông sản hàng đầu thế giới Olam với lượng xuất khẩu hơn 17.500 tấn, giá trị hơn 100 triệu USD.

Công ty Cà phê Outspan có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Công ty này chuyên sản xuất tinh chất cà phê hòa tan sấy lạnh, sấy phun, dạng cốm và các sản phẩm có liên quan khác với quy mô 4.000 tấn/năm theo công nghệ của Đan Mạch.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Công ty TNHH Cà phê Ngon với khoảng 14.900 tấn, hơn 79 triệu USD. Thứ ba là công ty TNHH Nestle Việt Nam với hơn 9.200 tấn cà phê rang xay hòa tan xuất khẩu, giá trị gần 75 triệu USD.

Được mệnh danh là vua cà phê nhưng chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên - Nhà máy Cà phê Sài Gòn chỉ xếp vị trí thứ 4. Lượng cà phê rang xay, hòa tan của công ty này là hơn 14.700 tấn, giá trị thu về trong niên vụ vừa qua là gần 74,6 triệu USD.

Bám ngay sau Trung Nguyên là Tata Coffee Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần 33 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.

Ngoài ra, về thị trường xuất khẩu, Đức vẫn là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam, Ý đứng thứ 2, Mỹ xếp thứ 3.

Sang năm 2024, Vicofa dự báo lượng cà phê tiêu thụ nội địa có xu hướng tăng lên. Theo đó, thị trường cà phê tiêu thụ nội địa dự kiến đạt khoảng 150.000 tấn cà phê rang xay, chế biến.

Tổng lượng cà phê nhân tiêu thụ nội địa có thể tăng lên 350.000 - 400.000 tấn/năm. Sản lượng cà phê hòa tan ước đạt 100.000 tấn, tương đương 230.000 tấn cà phê nhân và dự kiến sẽ tăng do có nhiều dự án đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất. Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 - 2024 vẫn có thể đạt 4,5 - 5 tỷ USD nhờ giá cà phê tiếp tục tăng trong khi sản lượng giảm.

Việt Nam và Ả-rập Xê-út ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Việt Nam và Ả-rập Xê-út ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại

Việc ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mà còn góp phần kiện toàn khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp các nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.