Xuất khẩu tôm lạc quan với mục tiêu 4,5 tỷ USD

Xuất khẩu tôm có thể đạt tổng kim ngạch 4,5 tỷ USD trong năm 2025. Ảnh: Hoàng Anh

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 605 triệu USD, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tôm chân trắng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đạt 344 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tôm sú xuất khẩu 45 triệu USD, giảm nhẹ 5%, còn sản phẩm “tôm loại khác” đạt 216 triệu USD, tăng đến 222%.

Cùng với sự gia tăng về sản lượng, mức giá bán tăng cao cũng đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm hai tháng đầu năm. Theo VASEP, giá tôm thẻ bình quân tại tất cả thị trường hiện đang ở mức hơn 9USD/kg, tăng 5%, trong khi giá tôm sú tăng đến 14%, đạt gần 12,8USD/kg.

Thị trường Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực của tôm Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 204 triệu USD, chiếm 34% và tăng 150% so với cùng kỳ. Theo VASEP, mức tăng này đến từ sự đột biến của xuất khẩu tôm hùm.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng trưởng 7%, là mức tăng khiêm tồn nhất so với các thị trường chính của tôm Việt Nam. VASEP cho biết, người tiêu dùng Mỹ đang lo ngại lạm phát cũng như các chính sách thuế nhập khẩu chưa rõ ràng nên giảm chi tiêu cho hải sản.

Năm 2025, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024. Với kết quả tích cực ghi nhận được trong hai tháng đầu năm, ngành tôm có nhiều triển vọng để đạt, thậm chí vượt mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, tôm Việt Nam có chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với một số đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Trong đó, chi phí thức ăn chiếm đến gần một nửa tổng chi phí sản xuất tôm.

Năm 2024, nhiều thời điểm giá tôm liên tục biến động khiến bà con nông dân phải “treo ao”, ngừng hoạt động vì không đủ khả năng hoàn vốn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo đủ đầu vào để hoàn thành các đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Cùng với khó khăn về chi phí, ngành tôm cũng đối diện với vấn đề dịch bệnh gây ra thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất trắng cả vụ tôm của bà con. Mặt khác, nuôi tôm theo phương thức thâm canh truyền thống gây ra nhiều tổn hại tới môi trường, khiến tôm khó lòng đáp ứng một số tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường quốc tế.

Để ngành tôm đạt được mục tiêu xuất khẩu, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nuôi tôm, VASEP kiến nghị Chính phủ tăng cường ngoại giao kinh tế, xúc tiến xuất khẩu tôm tại các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, nâng cao giá trị ngành tôm thông qua kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống và có cơ chế khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư công nghệ nuôi trồng, sản xuất xanh nhằm giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh.

Tin liên quan

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ rúng động trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả xe hơi và linh kiện ô tô nhập khẩu. Quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.