Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể trồng được nhiều loại quả quanh năm nhờ vào diện tích trồng cây ăn quả hiện có là 1,2 triệu ha. Với mức tăng trưởng khả quan, ngành trái cây Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu rất lớn…
Theo báo cáo triển vọng ngành hàng trái cây tại Việt Nam năm 2024 của Kirin Capital, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2011 - 2022.
Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là năm 2017 với giá trị xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD và xuất khẩu đạt đỉnh vào năm 2018 với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Đến 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt với 815 triệu USD, tăng hơn 44% so với cùng kì năm ngoái.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt Nam trong năm 2023, chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt gần 3,64 tỷ USD, tăng mạnh 138,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là thị trường Đông Nam Á đạt trên 297,7 triệu USD, Mỹ đạt 257,77 triệu USD, Hàn Quốc đạt 225,81 triệu USD, Nhật Bản đạt 176,17 triệu USD…
Năm 2023 chứng kiến quá trình “đổi ngôi” về trái cây mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất, đạt 2,2 tỷ USD tăng 4 lần so với năm 2022.
Các mặt hàng trái cây khác đều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua như thanh long đạt 613 triệu USD, chuối đạt 308 triệu USD, mít và xoài lần lượt chiếm 5,9% và 4,3%.
Đặt mục tiêu cho thời gian tới, đến năm 2025, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực là 960.000 ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.
Năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước ước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực đạt 1 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Ngọc Nhi