Quý I năm nay chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp với 16 mặt hàng đã xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 5 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý đầu năm nay đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 8,08 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đầu năm nay tiếp tục nhộn nhịp, tiếp nối đà tăng của quý 4 năm trước.
‘Sự ảm đảm’ trong hoạt động xuất nhập khẩu dường như đã kết thúc. Trước đó, năm 2023, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay ước đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 27%; doanh nghiệp FDI chiếm 73%.
Nhờ nhu cầu tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, số lượng mặt hàng vượt mốc một tỷ USD trong quý đầu năm nay tăng lên con số 16, hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay đạt gần 85 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 35%, doanh nghiệp FDI chiếm 65%.
Vượt mốc nhập khẩu hơn một tỷ USD có 17 mặt hàng, trong đó hai mặt hàng đã vượt 5 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trước đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều đã đưa ra dự báo về đà tăng trưởng trở lại của hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và kỳ vọng duy trì trong những tháng tới.
Đơn cử, VinaCapital cho rằng, nhu cầu tại thị trường Mỹ đã tăng trở lại. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục nhiều hơn trong các tháng tới nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của nền kinh tế Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng nước này đạt mức cao nhất kể từ sau Covid-19.
Bên cạnh đó, doanh thu ngành PC (máy tính cá nhân) toàn cầu đã tăng trưởng trở lại vào cuối năm ngoái sau khi giảm 30% so với cùng kỳ vào đầu năm 2023. Một phần do người dùng nâng cấp máy cấu hình cao hơn để xử lý Al (trí tuệ nhân tạo).
Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023 lần đầu tiên trong 2 năm.
Xu hướng trên toàn cầu của các ngành trên sẽ hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới khi 2 nhóm hàng này chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo VinaCapital, tín hiệu từ ngành sản xuất đang cho thấy hàng tồn kho đã giảm.
Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm ‘made in Vietnam’.
Nhật Hạ