Thúc đẩy nông dân và hộ sản xuất nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Mặc dù có nhiều cơ hội, tiềm năng nhưng còn không ít thách thức cho nông dân và hộ sản xuất quy mô nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khuôn khổ hợp tác APEC, ngày 21-22/6/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức Hội thảo APEC về thúc đẩy sự hội nhập của nông dân vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, giảng viên các cơ sở đào tạo... đến từ Việt Nam và các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hoạt động nhằm triển khai các cam kết và ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy xây dựng năng lực, đổi mới, bền vững và hòa nhập thông qua “chú ý đến việc trao quyền kinh tế cho các nhóm có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác” bao gồm cả những nhóm ở nông thôn và vùng sâu vùng xa để “cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu”.

Nhiều thách thức cho nông dân và hộ sản xuất nhỏ tham gia chuỗi giá trị

chuỗi giá trị toàn cầu Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết, nông dân và các nhà sản xuất quy mô nhỏ gặp phải những thách thức không nhỏ khi hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận về các thách thức, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thúc đẩy nông dân và các nhà sản xuất quy mô nhỏ hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết, sinh kế của khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới có liên quan đến nông nghiệp quy mô nhỏ, vì đây là hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Ở các nền kinh tế có mật độ dân số cao như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, có gần 310 triệu trang trại quy mô nhỏ, chiếm hơn 80% tổng số trang trại ở mỗi nền kinh tế này. Mặc dù nông dân có thể chiếm một tỷ lệ lớn nhưng sự tham gia của họ được cho là không tương xứng với tiềm năng.

"Nông dân và các nhà sản xuất quy mô nhỏ có thể góp phần đáng kể vào xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nếu họ có thể và được hỗ trợ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị thông qua việc được trang bị kiến thức, thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, và các nguồn lực phát triển cần thiết... Tuy nhiên, trên thực tế, họ gặp phải những thách thức không nhỏ khi hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu như có thể bị hạn chế về nguồn lực đất đai, khó tiếp cận công nghệ, đổi mới và vay vốn ngân hàng...", bà Nhàn chia sẻ.

Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ bị tốn thương như nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa do hạn chế về nguồn lực, thiếu sự liên kết trong chuỗi cung ứng và sản xuất, thiếu mạng lưới kết nối...

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia quốc tế trao đổi tại Hội thảo cũng cho rằng, một số thách thức chủ yếu mà nông dân và các hộ sản xuất nhỏ đang gặp phải trong việc hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu là hạ tầng sản xuất còn hạn chế; nhiều hộ sản xuất còn thiếu thông tin thị trường; cạnh tranh hàng hoá nông sản ngày càng gay gắt hơn; yêu cầu chất lượng hàng hoá nông sản ngày càng cao; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia...

chuyen gia TS.Tzong-Ru Lee, giảng viên Khoa Marketing, Đại học Chung Hsing, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về Nông nghiệp bền vững (IAAS) chia sẻ về kinh nghiệm của nông dân và hộ sản xuất nhỏ Đài Loan (Trung Quốc) trong hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Liên kết sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng các cơ hội hội nhập

Từ thực tiễn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng bên cạnh những thách thức, có nhiều cơ hội cho nông dân và hộ sản xuất nhỏ tham gia các chuỗi giá trị. Đó là hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng có vị thế trên thị trường thế giới. Cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm có tác động mạnh mẽ đến sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế chính sách dần hoàn thiện; tổ chức sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; Nông dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, sản xuất ngày càng gắn với thị trường tiêu thụ...

Để tận dụng các cơ hội thuận lợi và khắc phục những khó khăn, thách thức, hỗ trợ các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp.

Trong đó, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực chủ thể của nông dân, nâng cao nhận thức, trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để có thể làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp. Hoàn thiện thể chế, chính sách tổ chức chuỗi giá trị nông sản thực phẩm; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển HTX, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, liên kết sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tập trung quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản. Xây dựng và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, thị trường lớn. Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ nuôi, trồng, đánh bắt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến để tạo sản phẩm an toàn. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế đã ký kết...

Chính sách Ngoại thương mới của Ấn Độ và cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam

Chính sách Ngoại thương mới của Ấn Độ và cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam

Một trong những trọng tâm trong chính sách Ngoại thương mới của Ấn Độ là tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước để thúc đẩy xuất khẩu. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng nông thủy sản nguyên liệu, máy móc, vật tư… phục vụ sản xuất sang thị trường này.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.