Trung Quốc cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản vì vụ xả nước ở Fukushima

Lo ngại liên quan vụ xả nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Trung Quốc sẽ duy trì lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản, đồng thời tăng cường giám sát với hàng hóa từ các tỉnh còn lại...

Cụ thể, hải quan Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản và liên tục tăng cường phát hiện, giám sát chất phóng xạ từ các tỉnh còn lại để đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Động thái này nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu thực phẩm nhiễm phóng xạ của Nhật Bản sang Trung Quốc và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trước các thực phẩm nhập khẩu", hải quan Trung Quốc cho biết.

Tuy nhiên tuyên bố của nhà chức trách không nói rõ lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ khi nào.

Trong nhiều tuần qua, Trung Quốc đã công khai lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái Tokyo cho phép xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Trung Quốc Các thùng chứa nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 1/2021

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc - tuần này đã bật đèn xanh cho Nhật Bản bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu của nhà máy, vốn đã bị hư hại nặng bởi thảm họa sóng thần và động đất hồi năm 2011.

Hải quan Trung Quốc cho rằng báo cáo của IAEA không phản ánh đầy đủ quan điểm của tất cả các chuyên gia tham gia vào quá trình đánh giá và kết luận không được các chuyên gia nhất trí thông qua.

Trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 7/7, Giám đốc IAEA Rafael Grossi thừa nhận đã có sự bất đồng trong số các chuyên gia quốc tế đứng sau báo cáo đánh giá nước thải Fukushima, nhưng khẳng định kết quả là hoàn hảo về mặt khoa học.

"Chúng tôi không đồng ý hay khuyến nghị thực hiện kế hoạch này (xả thải). Chúng tôi chỉ nói rằng kế hoạch này phù hợp với các tiêu chuẩn. Chúng tôi không đứng về bất cứ phía nào", ông Rafael Grossi nói.

Hàn Quốc, trước đây cũng đã bày tỏ lo ngại về việc xả nước thải của Nhật Bản, hôm nay ra tuyên bố cho biết họ tôn trọng đánh giá của IAEA.

Trước khi được thải ra đại dương, Nhật Bản cho biết nước nhiễm xạ sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium - một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. Nước được xử lý sau đó sẽ được pha loãng xuống dưới mức được quốc tế chấp nhận.

Ngoài các chỉ trích quốc tế, kế hoạch xả thải của Chính phủ Nhật Bản cũng vấp phải sự phản đối cả ở trong nước, đặc biệt là cộng đồng ngư dân lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của thủy sản Nhật Bản.

Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản ngày 7/7 đã phê duyệt cho Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị quản lý nhà máy Fukushima, bắt đầu quá trình xả nước nhiễm phóng xạ ra biển. Đây là thủ tục cuối cùng để quá trình này có thể diễn ra.

Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều thông qua “cầu nối” Thương vụ

Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều thông qua “cầu nối” Thương vụ

Từ những thị trường “láng giềng” trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,… đến các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Anh,… vải thiều Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong kết quả này không thể không kể đến những đóng góp của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khi đã tích cực phát huy vai trò “cầu nối”xúc tiến thương mại thời gian qua.
Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc

Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc

Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc, cần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc thiết bị. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.