Nguyên nhân nào khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao?

Tại thành phố lớn như Hà Nội, rất nhiều người dân muốn sở hữu một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”, song giá nhà tăng cao, khiến nhu cầu này khó càng thêm khó…

Nguyên nhân nào khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao?
Giá nhà ở Hà Nội tăng cao

Thời gian qua, thị trường bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn tăng giá mạnh, đặc biệt ở Hà Nội. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà tăng là việc thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở có nhu cầu thực.

GIÁ NHÀ TĂNG 20 QUÝ LIÊN TIẾP

Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Hà Nội của Savills Việt Nam, giá sơ cấp căn hộ đạt 58 triệu đồng/m2 , tăng 7% theo quý và 12% theo năm. Giá sơ cấp trung bình đã tăng trong 20 quý liên tiếp do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Cùng với đó, khả năng chi trả giảm và nhu cầu vay vốn tăng.

Về khoảng giá phổ biến, các căn hộ có giá từ 51 - 70 triệu đồng/m2 chiếm 63% nguồn cung mới, tăng 24% theo năm. Các căn hộ trong khoảng giá này chiếm 49% số lượng các căn bán được, tăng 21% theo năm.

Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 42% số lượng căn bán được trong năm 2023 tăng từ mức 3% trong năm 2019. Các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 55% thị phần. Chỉ 3% số căn hộ có giá bán dưới 2 tỷ đồng.

Nguyên nhân nào khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao? 2

Còn nguồn cung mới trong quý 4/2023 tăng 52% theo quý nhưng giảm 1% theo năm với 2.876 căn. Các giai đoạn tiếp theo của 4 dự án hiện tại là Skyline West Lake, Epic Tower, CT4 Yên Nghĩa và The Wisteria đã cung cấp 2.273 căn, chiếm 79% thị phần và 21% còn lại đến từ 4 dự án mới. Nguồn cung sơ cấp với 11.911 căn giảm 40% theo quý và 41% theo năm.

Trong năm 2023, nguồn cung mới ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 10 năm với 10.403 căn. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm 84% nguồn cung. Số lượng căn bán được đạt 3.045 căn, tăng 45% theo quý và 5% theo năm. Hạng B chiếm 84% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 46%.

Báo cáo cho rằng, trong năm 2024, sản phẩm tại các tỉnh lân cận sẽ ngày càng giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của Hà Nội. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024 đến sau 2026. Cải thiện cơ sở hạ tầng, nhà ở giá cả phải chăng và tiện ích đa dạng là những yếu tố thành công then chốt.

Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, các dự án đại đô thị như Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City đã cung cấp 46% nguồn cung mới và 33% số lượng căn bán được và phản ánh nhu cầu tiếp tục gia tăng ở khu vực ngoại thành. Những dự án này có tiện ích nội khu để bù đắp cho yếu tố vị trí.

Các dự án lớn trong tương lai bao gồm Vinhomes Cổ Loa (385ha), BRG Smart CIty (272 ha) và Vinhomes Wonder Park (133 ha). Những dự án đại đô thị sẽ đóng góp 35% nguồn cung tương lai.

Nhìn nhận thị trường thời gian qua, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên Cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội đánh giá, hiện nay đang có sự mất kết nối giữa nguồn cung và nguồn cầu ở Hà Nội, đặc biệt là nhà ở bình dân. Đường sắt đô thị và đường vành đai khi hoàn thành sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển ra ngoài trung tâm.

NGUYÊN NHÂN GIÁ NHÀ TĂNG

Lý giải về việc giá nhà tăng cao trong thời gian qua, bà Hằng cho biết, phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về giá là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Việc hạn chế về nguồn cung trên thị trường vẫn còn tiếp tục, dẫn đến giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng cao.

Trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp có ưu điểm về khả năng mua được với nhiều lựa chọn, phù hợp với khả năng chi trả và pháp lý đảm bảo hơn.

Đơn cử, giá biệt thự thứ cấp trên mỗi m2 đất thấp hơn giá sơ cấp trung bình 7%, liền kề thứ cấp có giá thấp hơn sản phẩm sơ cấp 24% và nhà phố thương mại thứ cấp có giá thấp hơn sơ cấp trên thị trường là 40%.

Thời gian tới, người mua nhà có thể kỳ vọng vào nguồn cung mới đến từ cơ sở hạ tầng phát triển. Các dự án đầu tư hạ tầng như đường Vành đai 3,5 và 4 sẽ mở rộng thị trường nhà ở Hà Nội, hướng tới không tập trung nguồn cầu ở các khu vực nội thành, khu vực trung tâm. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở ra các tỉnh và khu vực lân cận với giá cả hợp lý và quỹ đất lớn hơn.

Nguyên nhân nào khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao? 3
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên Cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội

Bên cạnh đó, bà Hằng phân tích, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và gần đây nhất là Luật Đất đai được thông qua được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường. Do vậy, có thể tin rằng năm 2024 – 2025 và giai đoạn tiếp theo, niềm tin của thị trường sẽ được củng cố vững chắc hơn, các sản phẩm sẽ được cung cấp từ những chủ đầu tư uy tín và thực sự có năng lực tài chính, từ đó thị trường sẽ cân bằng và đa dạng hơn về sản phẩm.

Phát biểu tại diễn đàn gần đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, sức mua thanh khoản giảm mạnh cũng làm gia tăng thêm khó khăn. Cụ thể, nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Điển hình nhất là căn hộ chung cư liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng đầu tư của các tầng lớp người dân tương ứng.

GIẢI PHÁP

Theo nghiên cứu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá cả bất động sản sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhà có thể sẽ không tăng nhiều vào năm 2024.

Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở an toàn với giá hợp lý cho người dân trong bối cảnh gia tăng dân số và đô thị hóa, VARS cho rằng, cần giải quyết được mắt xích tăng giá bất động sản quan trọng nhất là thiếu nguồn cung, do đất đai chưa được sử dụng tối ưu. Đồng thời cũng phải sử dụng các công cụ điều tiết cung cầu để thị trường phát triển thực chất.

Nguyên nhân nào khiến giá nhà ở Hà Nội tăng cao? 4
Mắt xích tăng giá bất động sản quan trọng nhất là thiếu nguồn cung

Muốn thị trường sớm phục hồi, theo VARS, cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch. Cơ quan có thẩm quyền cần sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tiết nguồn cung bằng cách bố trí quỹ đất phát triển nhà ở ngay khi lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, người dân phải có cơ hội được biết và tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, phát huy cao nhất “giá trị sử dụng”.

Không những vậy, cần xóa quy hoạch "treo", xây dựng hành lang pháp lý riêng cho việc mua bán đất đai trong những khu đã quy hoạch. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ kinh nghiệm quản lý, năng lực tài chính của chủ thầu để đảm bảo tiến độ dự án, tránh gây thất thoát tài chính, lãng phí tài nguyên.

Cầu đầu cơ càng lớn, càng nằm ngoài kiểm soát, thì giá bất động sản càng tăng cao và biến động với biên độ lớn, làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Do đó, cần nghiên cứu phương án áp dụng mức thuế phù hợp với tài sản lũy kế theo số lượng, quy mô bất động sản sở hữu để làm giảm động lực đầu cơ. Ngoài ra, nên có các chính sách tín dụng làm hạn chế việc đầu cơ như áp dụng lãi suất cao hơn khi mua bất động sản thứ 2, thứ 3...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.