Theo đánh giá từ HĐND TP.HCM, thành phố vẫn còn một số hạn chế liên quan đến nhà ở xã hội như chưa đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã đề ra...
Theo đánh giá từ HĐND TP.HCM, thành phố vẫn còn một số hạn chế liên quan đến nhà ở xã hội như chưa đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã đề ra...
HĐND TP. HCM khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2025.
Theo đó, TP. HCM sẽ tập trung giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đối với dự án nhà ở xã hội.
Theo ghi nhận từ TP. HCM, hiện thành phố vẫn có những hạn chế như: chưa đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã đề ra; việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, thiếu sót khi thực hiện các thủ tục pháp lý.
Việc bàn giao quỹ đất và thực hiện nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội; quản lý nguồn thu của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nộp tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%; việc xét duyệt đối tượng mua, thẩm định giá mua, giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo nội dung nghị quyết, HĐND TP. HCM giao UBND thành phố tập trung thực hiện 9 nội dung chính. Trong đó, tập trung đẩy nhanh thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu phát triển thêm 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 35.000 căn hộ.
Chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót trong việc rà soát, tổng hợp báo cáo số liệu dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đảm bảo tính chính xác, thống nhất.
Khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch khu công nghiệp, UBND TP. HCM cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện để đưa vào quy hoạch diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội, cũng như quy hoạch khu vực riêng lập dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
Thống kê toàn bộ dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có bố trí 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương 20% quỹ đất để sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp tiền tương đương 20% vào ngân sách Nhà nước.
Đối với việc xét duyệt người mua, thuê mua nhà ở xã hội, UBND thành phố phải có biện pháp xử lý các chủ đầu tư chậm nộp hoặc chưa nộp hồ sơ xét duyệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà khi cấp giấy chứng nhận nhà đất.
Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, UBND TP. HCM phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sớm ban hành quy trình thủ tục rút gọn thời gian đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, công khai các dự án nhà ở xã hội, các nguồn vốn vay để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách này dễ dàng tiếp cận. Rà soát định kỳ đối với mức vay, lãi suất, đối tượng được vay để từ đó có đề xuất phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM về tình hình xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, UBND thành phố đã giao Sở là đơn vị tổng hợp báo cáo các khó khăn vướng mắc đối với các dự án xã hội và phân nhóm, báo cáo đề xuất UBND thành phố để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Theo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 7.000 căn hộ, nhà ở lưu trú công nhân đạt khoảng 4.500 căn hộ.
Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua còn thấp. Nguyên nhân là việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500... các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Quốc Chiến