Với việc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII vừa được thông qua, loạt dự án điện gió quy mô lớn của BCG Energy - công ty con của Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay từ năm sau, giúp tăng thêm tới 53% tổng công suất phát.
Loạt dự án điện gió lớn sẽ đi vào hoạt động ngay từ năm sau
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), bao gồm danh mục chi tiết các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải, và liên kết lưới điện khu vực quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030.
Qua đó, tạo hành lang pháp lý quan trọng để định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch Điện VIII. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án nguồn điện.
Với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo lên mức 30,9 - 39,2% vào năm 2030, và định hướng lên đến 67,5% - 71,5% vào năm 2050, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được xem là “cú hích”, hứa hẹn tạo ra bước ngoặt cho ngành điện nói chung và các doanh nghiệp năng lượng tái tạo nói riêng.
Theo đánh giá mới đây của nhiều tổ chức tài chính, Công ty Cổ phần BCG Energy - công ty con phụ trách mảng năng lượng tái tạo của Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) là một trong số các đơn vị trực tiếp hưởng lợi khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chính thức được phê duyệt.
Hiện nay, danh mục dự án năng lượng tái tạo đã vận hành thương mại của BCG Energy lên đến 600 MW, là một trong ba đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam.
Theo danh mục các dự án nguồn điện được ưu tiên thực hiện tới năm 2030, BCG Energy hiện có tổng cộng 08 dự án điện gió trên đất liền, gần bờ với tổng công suất lên đến 925 MW nằm tại nhiều đoạ phương trên cả nước như Điện Biên, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh,…
Trong đó, các dự án nhà máy điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) và Khai Long 2 (100 MW) đang được BCG Energy gấp rút triển khai và dự kiến đi vào vận hành ngay từ năm sau. Qua đó, giúp tăng thêm khoảng 53% tổng công suất phát điện, củng cố vững chắc vị thế của doanh nghiệp này trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
BCG Energy cũng vừa ký kết thoả thuận hợp tác với SK Ecoplant để cùng hợp tác phát triển 700 MW năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm 300 MW điện gió trên bờ, 300 MW điện mặt trời trên mái nhà và 100 MW điện mặt trời trên mặt đất. Ngoài ra, hai bên sẽ phát triển các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng khác.
SK Ecoplant là công ty chuyên phụ trách kinh doanh, phát triển năng lượng tái tạo, trực thuộc Tập đoàn SK - tập đoàn gia đình “chaebol” lớn thứ 3 Hàn Quốc với giá trị vốn hoá thị trường đạt 63 tỷ USD.
Đặc biệt, SK Ecoplant sẽ tham gia các dự án hợp tác với BCG Energy ngay từ giai đoạn phát triển kinh doanh và đảm bảo các dự án sẽ có tín chỉ carbon. Thông qua việc bán tín chỉ carbon, các dự án của liên doanh này sẽ có thêm nguồn thu đáng kể cũng như đóng góp tích cực vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
Nâng tổng công suất nguồn phát lên 2 GW
Tại Hội nghị Nhà đầu tư hồi cuối tháng 2/2024, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital kiêm Tổng Giám đốc điều hành BCG Energy cho biết, công ty đang đặt mục tiêu nâng tổng công suất nguồn phát năng lượng tái tạo lên mức 1,5 - 2 GW vào cuối năm 2025; đồng thời, nghiên cứu triển khai một số dự án đốt rác phát điện, và nhắm đến các loại hình năng lượng khác như điện khí, điện sinh khối,…
Đáng chú ý, lãnh đạo BCG Energy cho biết tỷ suất IRR của các dự án đều phải đạt trên 10% thì công ty mới tiến hành đầu tư và hầu hết các dự án đã đi vào vận hành hiện nay đã bước sang năm thứ 3 hoạt động - mốc đánh dấu bắt đầu đem lại lợi nhuận kế toán và dòng tiền ổn định.
Vừa qua, BCG Energy đã tăng gấp rưỡi vốn điều lệ lên mức 7.300 tỷ đồng nhằm củng cố năng lực tài chính, chuẩn bị triển khai loạt dự án quy mô lớn thời gian tới. Sau khi mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, tổng nợ phải trả của BCG Energy tại cuối năm 2023 giảm mạnh về còn 9.347 tỷ đồng và không còn dư nợ trái phiếu.
Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này giảm mạnh về quanh mức 1 lần - mức được xem là an toàn và thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết. Đồng thời, mở ra dư địa lớn cho BCG Energy trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trong bối cảnh mặt bằng chi phí sử dụng vốn trên thị trường đã “hạ nhiệt” đáng kể.
Với loạt tín hiệu tích cực trên, BCG Energy được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Bamboo Capital. Theo đó, hãng chứng khoán Yuanta Securities Vietnam (YSVN) dự phóng lãi ròng năm nay của Bamboo Capital sẽ tăng 51% so với năm 2023, đạt 284 tỷ đồng. Trong khi đó, hãng chứng khoán An Bình Securities thận trọng dự báo tăng trưởng lãi ròng ở mức 40%.
Duy Quang