Ngày 11/4, Tập đoàn Hòa Phát tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Khác với những năm trước, buổi họp năm nay đã giản lược phần báo cáo của lãnh đạo, chỉ tập trung vào việc giải đáp các thắc mắc của cổ đông.
KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN NHẬN HÀNG NƯỚC NGOÀI NHIỀU HƠN SẢN XUẤT TRONG NƯỚC
Ngày 26/3, Tập đoàn Hòa Phát cùng với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay sau động thái này, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất tôn mạ chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phản hồi về vấn đề này, tại buổi họp đại hội đồng cổ đông hôm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng đây là điều hết sức bình thường. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng, không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước. Đồng thời, nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước.
Dẫn chứng cụ thể, trong năm 2023 tổng sản xuất thép của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn nhưng tổng nhập khẩu tới 9,6 triệu tấn. Sang quý 1/2024, lượng sản xuất là 2 triệu tấn nhưng nhập khẩu tới 3 triệu tấn.
Với số liệu trên, Chủ tịch Hòa Phát đặt vấn đề: “Nhắc lại sự kiện năm vừa rồi, Trung Quốc nhập khẩu 500.000 tấn tôn mạ, chiếm 10% lượng sản xuất, họ đã khởi kiện ngay. Vậy tại Việt Nam, sản xuất 6,7 triệu tấn thép HRC, nhập khẩu 9,6 triệu tấn thì tại sao không kiện?”.
Trong việc khởi xướng điều tra này, Hoà Phát và Fomosa chỉ khởi kiện một vài doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam chứ không phải kiện doanh nghiệp trong nước.
Về ý kiến phản đối của các công ty tôn mạ tại Việt Nam, đây là lo lắng chính đáng và tự nhiên nhưng chưa suy nghĩ thấu đáo. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng. Bởi nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường. Trong khi đó, lượng nhập khẩu thép ồ ạt có khả năng đè bẹp thép trong nước.
“Tất cả phải bình tĩnh. Có khi chống bán phá giá, thị trường sẽ ổn định hơn. Có thuế chống bán phá giá hay không, chúng ta vẫn sản xuất và kinh doanh.”
Ngoài ra, việc áp thuế chống bán giá có thể diễn ra vào cuối năm 2025 đầu năm 2026. Hiện nay sản lượng tiêu thụ thép trong nước đang là khoảng 12 triệu tấn/năm. Hòa Phát và các công ty thép trong nước tự tin có thể lo được hết lượng cầu thép nếu nguồn cung Trung Quốc hụt đi.
TẬP TRUNG VÀO THÉP TRONG 5 – 10 NĂM TỚI
Năm 2023, ngành thép suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận do gặp phải nhiều khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc tạo sức ép lên giá thép trong nước. Sản lượng tiêu thụ thép vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều do thị trường bất động sản Việt Nam ảm đạm từ nửa cuối năm 2022 đến nay, xung đột vũ trang Nga – Ukraine tiếp tục lâm vào bế tắc cùng với suy thoái hậu Covid -19 dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới phục hồi chậm.
Đối mặt với những khó khăn, lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và khẳng định là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 92% của toàn Tập đoàn.
Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%. Trong đó, Hòa Phát cung cấp ra thị trường 2,8 triệu tấn HRC, tăng 6% với với năm 2022. Thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với năm 2022. Thị phần thép Hòa Phát củng cố vị thế số 1 với 34,7%.
Đồng thời, Hòa Phát còn cung cấp 685.000 tấn ống thép, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329.000 tấn. Thị phần ống thép vẫn tiếp tục là số 1 đạt 28,3% tại cuối năm 2023. Tôn Hòa Phát vững vàng trong top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất.
Sang quý 1/2024, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với quý 1/2023.
Trong đó, thép xây dựng và thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.
Ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường là 131.000 tấn, tôn mạ các loại đạt sản lượng 98.000 tấn. Lượng tôn xuất khẩu 3 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đóng góp tới hơn 61.000 tấn.
Xung quanh câu hỏi về định hướng phát triển tương lai của Tập đoàn, ông Trần Đình Long thông tin, về ngắn hạn, Tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào thép trong khoảng 5 – 10 năm tới và chưa có ý định mở rộng sản xuất sang các mảng khác. Theo nhận định của vị Chủ tịch này, chiến trường thép đang cực kỳ khốc liệt với sự cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi tiềm lực, nhân sự lớn.
Với chiến lược dài hạn, Hòa Phát sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay, Hòa Phát đang nghiên cứu sản phẩm tôn silic, làm cho các mô tơ điện, nghiên cứu và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang nghiên cứu làm đường ray xe lửa, không phải loại đường ray thông thường mà là đường ray cho tàu tốc độ cao khoảng 800 – 1.000 km/h. Hòa Phát kỳ vọng sẽ trúng thầu khi Chính Phủ triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
DỰ KIẾN CHIA CỔ TỨC BẰNG TIỀN MẶT TỪ NĂM 2025
Về tình hình kinh doanh toàn Tập đoàn, năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so 19% với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 36.077 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 30% tổng doanh thu của Tập đoàn. Tổng cộng hơn 2,2 triệu tấn sản phẩm thép của Hòa Phát đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia.
Trong quý 1/2024, Hòa Phát đã mang về 31.000 tỷ doanh thu và 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ. Mức nộp ngân sách nhà nước lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hòa Phát đã thành công bán hết lượng hàng tồn kho giá cao, chưa bao giờ lượng tồn kho của Tập đoàn xuống thấp như hiện tại.
Về mục tiêu trong năm 2024, Hòa Phát dự kiến mang về doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hòa Phát cho biết, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, để đạt được con số đó giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo và toàn thể Tập đoàn đã cố gắng nỗ lực rất nhiều.
Cùng với đó là đưa ra nhiều quyết định nhanh, sát với thực tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, tài chính, hàng tồn kho… Đến quý 4/2023, kết quả kinh doanh của tập đoàn đã tương đối khởi sắc, thể hiện được sự cố gắng của Hòa Phát.
Hội đồng quản trị Hòa Phát năm nay đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành thêm 581 triệu cổ phiếu.
Nguồn vốn sẽ huy động từ 3.212 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Theo phương án này, cổ đông sẽ được chi trả cổ tức với tỷ lệ 10% dưới dạng cổ phiếu. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông từ năm 2025.
Ngọc Nhi