Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (mã cổ phiếu VNE) vừa công bố thông tin về việc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Xây dựng Điện Việt Nam hiện chiếm khoảng 35% thị phần xây lắp điện trong nước.
Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (mã cổ phiếu VNE - sàn HoSE) vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được thông báo số 02/TB-TLPS của Tòa án Nhân dân TP.Đà Nẵng về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cụ thể, Xây dựng Điện Việt Nam và Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đã ký kết Hợp đồng xây lắp số 1231/VNECO-KTKH-SĐ11 về việc thực hiện Gói thầu số 6 “Xây lắp đường dây 500kV đấu nối vào Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia”, với giá trị nghiệm thu quyết toán hơn 37 tỷ đồng.
Xây dựng Điện Việt Nam đã thanh toán và bù trừ công nợ cho Sông Đà 11 số tiền hơn 30 tỷ đồng, giá trị còn lại chưa thanh toán là gần 7 tỷ đồng. Trong đó, phần nợ đến hạn là 4,4 tỷ đồng và tiền giữ lại 8% chờ thanh toán là 2,7 tỷ đồng. Tiền giữ lại chờ quyết toán công trình thì chủ đầu tư sẽ thanh toán sau khi phê duyệt quyết toán.
Do Xây dựng Điện Việt Nam chưa thanh toán kịp thời đối với số tiền còn lại, nên Sông Đà 11 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp.
Xây dựng Điện Việt Nam cũng cho biết thêm kể từ khi Hội đồng Quản trị quyết định cho thôi việc đối với Tổng giám đốc Trần Quang Cẩn, đến nay ông Trần Quang Cẩn vẫn chưa được bàn giao hồ sơ và các thủ tục liên quan đến công tác thanh toán, công nợ các nhà thầu và các vấn đề liên quan trong thời gian ông Trần Quang Cẩn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.
Do đó, Hội đồng Quản trị Xây dựng Điện Việt Nam đã đề nghị Ban Kiểm soát và yêu cầu phòng, ban nghiệp vụ phải rà soát từng công trình, dự án đã và đang triển khai, hồ sơ thủ tục có liên quan... nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan trong điều hành hoạt động kinh doanh, dẫn đến có sự chậm trễ trong việc thanh toán cho các đơn vị.
Cùng với đó, Xây dựng Điện Việt Nam khẳng định vẫn đang thực hiện thanh toán công nợ cho Sông Đà 11 và sẽ thanh toán dứt điểm trong thời gian tới khi có kết luận rà soát số liệu và công nợ.
Việc chậm trễ trong bàn giao hồ sơ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Xây dựng Điện Việt Nam chưa thể tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Trước đó, Xây dựng Điện Việt Nam đã xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội chậm nhất đến ngày 30/6.
Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam có tiền thân là Công ty Xây lắp Điện 3 được thành lập vào năm 1988. Năm 2005 chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng điện.
Thông qua các công ty con, Xây dựng điện Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các dự án xây dựng hệ thống lưới điện và trạm biến áp 500kV. Công ty đã thực hiện thi công các nhà máy thủy điện và điện mặt trời như: Thủy điện Hồi xuân, Thủy điện K’rông H’năng, Thủy điện Khe Diên, Nhà máy Điện mặt trời Cam Lâm, Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam,...
Theo dữ liệu của hãng Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Xây dựng điện Việt Nam hiện chiếm khoảng 35-40% thị phần ngành xây lắp điện.