Giá cước container tăng phi mã, lo ngại “cơn ác mộng” thiếu container rỗng quay trở lại

Giá cước vận chuyển container bằng đường biển trên cá các tuyến đã bất ngờ và đồng loạt tăng vọt. Trong đó, giá cước trên các tuyến đi Mỹ tăng tới 250% so với hồi tháng 3/2024.
Tình trạng tắc nghẽn cảng biển lan rộng đang khiến thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt container rỗng lặp lại, gây ra đợt tăng giá cước tiếp theo như giai đoạn 2021 - 2022.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, giá cước container vận chuyển qua đường biển trên nhiều tuyến bất ngờ và đồng loạt tăng mạnh.

Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông - Giám đốc Phúc Sinh Group, chuyên xuất khẩu nông sản, tính đến đầu tháng 6 này, giá cước container ở nhiều tuyến đã tăng gấp đôi so với hồi tháng 3 vừa qua. Đặc biệt, giá cước container trên các tuyến đi Mỹ tăng tới 250%, từ mức 2.950 USD lên 7.350 USD/container 40 feet.

Đại diện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hoá có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng, nhưng nay chỉ báo giá theo tuần, giá cước có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày.

Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển đang lan rộng tại khu vực châu Á và bắt đầu lan sang đến một số cảng lớn của Mỹ và châu Âu trong bối cảnh Cảng Singapore, cảng container lớn thứ 2 thế giới, rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn cả thời điểm đại dịch COVID-19.

Nguyên nhân được cho là do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở khu vực Biển Đỏ thời gian qua, buộc các hãng tàu conatiner phải thay đổi lịch trình, khiến lượng hàng phải xử lý cùng một lúc tăng đột biến.

giá cước container
Giá cước giao ngay trên các tuyến từ châu Á đi Mỹ và châu Âu đã tăng vọt từ 142% đến 315% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Drewry)

Việc phải chờ đợi lâu ở Cảng Singapore khiến nhiều tàu đã phải huỷ kế hoạch cập cảng này, chuyển hướng sang các cảng lân cận, từ đó khiến các cảng trong khu vực phải xử lý khối lượng lớn hàng nằm ngoài kế hoạch. Đồng thời, một số hãng tàu cũng đã thông báo huỷ lấy hàng tại một số cảng và thông báo thời gian chờ để lấy hàng tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đánh thuế cao lên nhiều loại hàng hoá của Trung Quốc từ đầu tháng 8/2024, khiến nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc lẫn nhà nhập khẩu Mỹ đẩy nhanh việc giao hàng trước thời điểm trên và sẵn sàng trả giá cước cao để giữ chỗ. Điều này khiến giá cước bị đẩy lên cao đột biến.

Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải (SCFI) đã tăng 42% trong một tháng trở lại đây. Chỉ số SCFI đo lường mức giá cước vận chuyển container giao ngay từ khu vực cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đến loạt cảng lớn trên toàn cầu như Barcelona, Hamburg, Rotterdam tại châu Âu; Los Angeles, Oakland, New York tại Mỹ; Osaka, Tokyo tại Nhật Bản…

Trong tuần trước, chỉ số Drewry WCI, chỉ số giá cước container cho 8 tuyến đường vận tải biển chính giữa Mỹ, Châu Âu và Châu Á, tăng 12% lên mức 4.716 USD/container 40 ft. Mức giá này tương đương mức tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Giá cước container
Giá cước container trên các tuyến từ cảng Thượng Hải (Trung Quốc) đến các cảng chính trên thế giới đã tăng vọt trong 2 tháng gần đây. (Nguồn: Drewry)

Một số doanh nghiệp giao nhận cho biết ước tính, lượng hàng hoá của các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang dồn tại Cảng Singapore và Cảng Dubai ở mức “rất lớn” nên các cảng này đang ưu tiên xử lý, gây ra tình trạng thiếu tàu ở các tuyến khác cũng như ở các cảng nhỏ hơn.

Thị trường cũng đang theo dõi tình trạng thiếu hụt container rỗng khi lượng lớn hàng từ Trung Quốc “chạy đua” đến các cảng của Mỹ sẽ gây ra tình trạng quá tải công suất xử lý, khiến các container phải nằm lưu kho bãi lâu hơn, giảm tốc độ vòng quay của vỏ container. Từ đó, tạo ra một vòng lặp tăng giá cước container tiếp theo như những gì đã từng xảy ra trong giai đoạn 2021 - 2022.

Hiện một số hãng tàu như Orient Star Group, MSC, Wan Hai Lines… cho biết sẽ có thêm các khoản phụ phí trong bối cảnh tắc nghẽn cảng kéo dài. Giới chuyên gia dự báo tình trạng căng thẳng trên thị trường vận tải biển toàn cầu có thể kéo dài đến quý 3/2024 sau khi Mỹ chính thức áp dụng các quy định thuế mới.

Tin liên quan

Vua Nệm sạch nợ trái phiếu

Vua Nệm sạch nợ trái phiếu

Việc trả nợ trái phiếu đúng hạn được cho là nhờ vào quản lý tài chính thận trọng, các cam kết chiến lược cụ thể và nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động bán lẻ của Vua Nệm.
Thương nhân đề nghị trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu: Vụ Thị trường trong nước nói gì?

Thương nhân đề nghị trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu: Vụ Thị trường trong nước nói gì?

Sau khi trả lại Giấy chứng nhận, thương nhân có thể chuyển sang làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các thương nhân phân phối/đầu mối khác, hoặc chuyển nhượng, cho thuê cơ sở vật chất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác, do đó về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.
Bamboo Capital thoái vốn tại BCG Energy

Bamboo Capital thoái vốn tại BCG Energy

Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Bamboo Capital thực hiện hàng loạt động thái tái cơ cấu tài chính trong toàn bộ tập đoàn và các đơn vị thành viên, đẩy mạnh huy động vốn để tập trung thực hiện các thương vụ M&A tiềm năng.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.