Chiến lược nào có thể giúp doanh nghiệp "ứng biến" với thách thức trong thời đại mới?

Theo nhiều chuyên gia, dù nền kinh tế Việt Nam có những điểm tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, do đó các doanh nghiệp trong nước cần có những bước đi chắc chắn trong thời gian tới để sẵn sàng cạnh tranh...
Doanh nghiệp cần lên chiến lược để "ứng biến" với thách thức trong thời đại mới

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng đang bị rơi vào vòng xoáy khó khăn khi rủi ro trên thị trường quốc tế ngày càng tăng cao.

BỐN RỦI RO CHÍNH

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong năm 2024 – 2025 có 4 rủi ro, thách thức chính gồm xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao; kinh tế thế giới phục hồi chậm.

Cụ thể, sự phục hồi kinh tế đang chậm lại ở 1 số nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…, kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, tuy nhiên, theo ông Lực, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Dù vậy, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.

1a9be0ad1003b05de91272-1014.jpg
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

Nói về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, vị chuyên gia nêu rõ, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa như nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.

Các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhờ đó sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…

Còn cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, điển hình là đẩy nhanh thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… lên sớm hơn 5 tháng, góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính – ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.

anh-man-hinh-2024-06-06-luc-223336-5397.png
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm 2024

Đáng chú ý, ông Lực cho biết thêm, các thách thức như du lịch phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít; sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm; thể chế cho các lĩnh vực mới còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…

“Ở bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý FOMO, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm”, ông Lực đưa ra.

LINH HOẠT PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH

Nhìn lại Việt Nam, sau một năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, năm 2024 với kỳ vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam. Nhưng 2024 lại tiếp tục là một năm mà bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường.

Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Để nền kinh tế có thể về đích kế hoạch 2024, tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng; chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…

Đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Năm mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.

“Cho nên, chúng ta cần cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra”, ông Phương nhấn mạnh.

41a624d730799027c968-7666.jpg
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Không chỉ vậy, Việt Nam nên khơi thông thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính và tiền tệ… cũng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc phát triển không chỉ trong năm 2024, mà cả trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, và các năm tiếp theo.

“Thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn. Chúng ta phải kiên định với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi thị trường và kinh tế thế giới có “vạn biến”, Thứ trưởng bày tỏ.

XOAY TRỤC THEO THỂ CHẾ

Cũng tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thông điệp điều hành kinh tế - xã hội năm 2024 đã rất khác so với năm ngoái. Năm 2024 mục tiêu đặt lên hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong khi năm 2023 là ưu tiên kiểm soát kinh tế vĩ mô kết hợp chính sách tài khoá, tăng trưởng hợp lý.

Các biến số ở thời điểm hiện tại, theo ông Hiếu là thị trường và thể chế. Ở yếu tố thị trường, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều trở nên gay gắt hơn.

“Nếu như trước đây, khi thị trường phục hồi doanh nghiệp có thể tung sản phẩm ra và bắt đầu phát triển, song, ở hiện tại các doanh nghiệp phải tranh giành thị phần, tạo sức ép lên đối thủ rất nhiều. Bên cạnh đó, các hàng rào gia nhập khó khăn hơn và cùng đó hành vi của người tiêu dùng khó dự đoán”, ông Hiếu cho hay.

Đối với thể chế, Chính phủ hiện đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước giảm câu chuyện một cửa nhiều ngách.

Bốn luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động, Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang được trình để đẩy sớm lên trước 5 tháng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt

Doanh nghiệp ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt

Theo ông Hiếu, với sự thay đổi này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và chiến lược phù hợp với 4 luật. Các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh có liên quan.

Việc của các doanh nghiệp do đó cần chuẩn bị cho kịch bản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách tiếp cận trong vạn biến với tâm thế chủ động và chấp nhận cuộc chơi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai.

Ngay như tại kỳ họp Quốc hội lần này, các luật mới như luật đấu giá tài sản, luật Thủ đô, luật… có tác động lớn về hoạt động kinh tế xã hội. Để ứng biến, các doanh nghiệp cần bám sát để phản biện để có thể chế tốt và ứng biến khi luật lệ đã được thông qua, thậm chí có kịch bản sớm từ khi có Dự thảo.

Bamboo Capital thoái vốn tại BCG Energy

Bamboo Capital thoái vốn tại BCG Energy

Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Bamboo Capital thực hiện hàng loạt động thái tái cơ cấu tài chính trong toàn bộ tập đoàn và các đơn vị thành viên, đẩy mạnh huy động vốn để tập trung thực hiện các thương vụ M&A tiềm năng.
Sóng lớn ngành cảng biển

Sóng lớn ngành cảng biển

Sau giai đoạn khó khăn, ngành cảng biển Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng tích cực từ năm 2024 nhờ triển vọng sản lượng hàng hóa xuất khẩu phục hồi.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.