Ngành sản xuất ghi nhận tốc độ tăng giá cao nhất trong gần 2 năm qua, chủ yếu do chi phí đẩy.
S&P Global trong báo cáo mới nhất về ngành sản xuất Việt Nam cho biết, những công ty mua hàng hóa đầu vào trong tháng đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá đáng kể.
Trên thực tế, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.
Một số người trả lời khảo sát cho biết tình trạng đồng tiền yếu đã góp phần làm tăng giá nguyên vật liệu, trong khi một số báo cáo cho biết giá dầu và nhiên liệu tăng.
Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10 năm ngoái.
Rủi ro từ gia tăng giá cả, lạm phát tại Việt Nam đã được nhiều bên cảnh báo và đưa ra khuyến nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây đánh giá, lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè.
Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ…
Do đó, ông Dũng nhấn mạnh, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, cần theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lưu ý rằng, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy.
Nguyên nhân là bởi giá một số nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu có xu hướng tăng do VND giảm giá khoảng 5% từ đầu năm đến thời điểm tháng 4.
Bên cạnh đó, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, việc tăng lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng từ tháng 7 tới vừa góp phần làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.
Không chỉ vậy, áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao và tài chính tiền tệ ở Việt Nam được nới lỏng.
Bên cạnh vấn đề gia tăng chi phí đầu vào, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cũng chỉ ra một số điểm tích cực của ngành sản xuất Việt Nam trong kỳ khảo sát mới nhất.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu duy trì tăng, từ đó khiến sản lượng tăng mạnh hơn.
Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao sản lượng tháng thứ hai liên tiếp.
“Nhìn chung, các công ty lạc quan về tương lai khi thành công trong việc thu hút số lượng đơn đặt hàng mới, hy vọng có thể khắc phục những tác động ngược chiều đang ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh”, vị chuyên gia nhận định.
Niềm tin kinh doanh ngành sản xuất chạm đáy 3 tháng
Phương Anh