Sau khi thông báo khởi xướng điều tra thép không gỉ cán nguội Việt Nam, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã đề nghị các bên liên quan cung cấp tài liệu, thông tin để phục vụ điều tra...
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (Cơ quan điều tra Hàn Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, ngày thông báo khởi xướng là 30/5, bên yêu cầu điều tra là Công ty TNHH POSCO. Hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguội được phân loại theo mã HS 7219.31.1010, 7219.31.1090, 7219.31.9000, 7219.32.1010, 7219.32.1090, 7219.32.9000, 7219.33.1010, 7219.33.1090, 7219.33.9000, 7219.34.1010, 7219.34.1090, 7219.34.9000, 7219.35.1010, 7219.35.1090, 7219.35.9000, 7219.90.1010, 7219.90.1090, 7219.90.9000, 7220.20.1010, 7220.20.1090, 7220.20.9000, 7220.90.1010, 7220.90.1090, 7220.90.9000.
Trong thông báo khởi xướng, Cơ quan điều tra Hàn Quốc đã đề nghị các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu và hướng dẫn về việc cung cấp thông tin, thời hạn cung cấp thông tin cũng như các nội dung liên quan khác.
Để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các bên liên quan nghiên cứu kỹ thông báo khởi xướng, chuẩn bị các thông tin tài liệu theo yêu cầu, hợp tác đầy đủ toàn diện với Cơ quan điều tra Hàn Quốc trong toàn bộ quá trình vụ việc. Đồng thời, chủ động liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, ngày 16/5, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Cục phòng vệ thương mại Việt Nam đã ra khuyến nghị, Cơ quan điều tra Hàn Quốc đang trong quá trình xác minh hồ sơ đề nghị điều tra.
Trong trường hợp quyết định khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra Hàn Quốc sẽ công bố công khai, đồng thời ban hành bản câu hỏi điều tra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và nhà nhập khẩu tại Hàn Quốc để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần rà soát tình hình xuất khẩu sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2020 đến nay, nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó trong trường hợp Cơ quan điều tra Hàn Quốc chính thức khởi xướng điều tra. Chủ động liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Theo Bộ Công thương, trong các thị trường thuộc khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có phát sinh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.
Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, basa, máy xịt rửa áp lực cao, đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong…
Theo Bộ Công Thương, việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây là do Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa.
Mặt khác, sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.
Thu Trang