Những khoản thu “bất thường” đằng sau con số lợi nhuận quý 2 "đẹp như mơ" của Hòa Bình, Vosco, Phát Đạt…

Trong quý 2 vừa qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn báo lãi tăng đột biến, nhờ vào việc định giá lại tài sản của công ty liên kết, bán công ty con, bán tài sản cố định, thanh lý máy móc...

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa công bố, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, dù doanh thu đi lùi, giá vốn hàng bán của công ty này lại tăng gần 10%, qua đó thu hẹp lãi gộp xuống còn gần 100 tỷ đồng, giảm 64%. Biên lãi gộp cũng vì thế mà giảm từ 17% xuống 4,6%.

Kỳ vừa rồi, doanh thu tài chính của Hòa Bình đã tăng gấp đôi, chủ yếu nhờ chuyển nhượng thành công Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (công ty thành viên) và Công ty Cổ phần Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt (công ty liên kết).

Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 270 tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của nhà thầu xây dựng này.

Theo lý giải từ ban lãnh đạo, phần lớn mức cải thiện kết quả kinh doanh quý vừa qua là nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong quý 2, tập đoàn liên tục tăng thu nợ khách hàng trong khi chi phí lương và các chi phí liên quan giảm nhờ tái cơ cấu thành công.

Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận gần 515 tỷ đồng lợi nhuận khác nhờ bán máy móc thiết bị ra bên ngoài. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn tăng 10% lên 3.811 tỷ đồng và lãi sau thuế 741 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán: VOS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 79,6% so với cùng kỳ. Cùng chiều doanh thu, giá vốn hàng bán tăng 87,2%, lên mức 1.895 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận gộp âm 23 tỷ đồng. Chưa kể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng bị đội lên, đẩy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 48,5 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ từ hoạt động kinh doanh thuần song Vosco lại ghi nhận khoản thu nhập khác tăng gần 393 tỷ đồng trong quý vừa qua. Theo giải trình, trong quý 2, doanh nghiệp đã thu về khoảng 400 tỷ đồng từ việc bán tàu Đại Minh cho đối tác.

Việc có một khoản tiền lớn đã giúp doanh nghiệp hàng hải này này khép lại kỳ kinh doanh quý 2/2024 với một kết quả tích cực, khi lợi nhuận sau thuế đạt 283,9 tỷ đồng, tăng 262 lần so với quý 2/2023.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Vosco mang về 2.965 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, hoạt động vận tải biển chiếm hơn 40%, tương ứng 1.187 tỷ đồng. Phần doanh thu 1.778 tỷ đồng còn lại đến từ lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Trừ khi các khoản chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2024 đạt 358,4 tỷ đồng, tăng 384% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vosco ghi nhận ở mức 3.247 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 610 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương. Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng 191 tỷ đồng lên mức 1.234,9 tỷ đồng. Điểm sáng là Vosco không ghi nhận một đồng nợ vay tài chính nào.

Việc thanh lý tài sản , bán công ty con tiếp tục được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới để hỗ trợ dòng tiền. Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 8,3 tỷ đồng. Song, lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận gần 50 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty thu về hơn 202 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, vào ngày 24/6, Phát Đạt đã chuyển nhượng 25% cổ phần tại BIDICI cho ông Nguyễn Trà Giang, với giá trị 769,5 tỷ đồng.

Chủ trương chuyển nhượng vốn tại BIDICI đã được Hội đồng quản trị Phát Đạt thông qua ngày 20/6. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản này sẽ chuyển nhượng toàn bộ hơn 111,7 triệu cổ phần tại BIDICI (chiếm 49% vốn điều lệ) với giá chuyển nhượng công ty không thấp hơn 130% mệnh giá.

Như vậy, sau thương vụ chuyển nhượng trên, tỷ lệ sở hữu của Phát Đạt tại BIDICI giảm từ 49% xuống 24%.

Cuối năm ngoái, việc chuyển nhượng công ty cũng từng đóng góp quan trọng, giúp Phát Đạt lãi gần 300 tỷ đồng trong quý 4/2023, "sạch" nợ trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản này chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI).

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán: VSC) đã thông báo nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thanh lý hợp đồng dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng, thực hiện tất toán nợ vay với BaoVietBank liên quan đến dự án này.

Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là hơn 1.420 tỷ đồng, trong đó các công ty con của VSC góp hơn 823 tỷ đồng (mỗi công ty thực góp gần 412 tỷ Đồng) và T&D Group góp 600 tỷ đồng. Tiền góp vốn gốc của các công ty con được chuyển cho T&D Group để thực hiện dự án đầu tư và được hoàn trả bởi T&D Group từ năm nay trở đi. Cụ thể, T&D Group sẽ thanh toán tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, từ năm 2028 thanh toán tối thiểu 15 tỷ đồng/năm và từ năm 2035 thanh toán tối thiểu hơn 34 tỷ đồng/năm.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.