Đằng sau câu chuyện tái cấu trúc được đại diện Moca đưa ra, dường như có hai nguyên nhân sâu xa lý giải cho sự rút lui của ví điện tử này.
Công ty Cổ phần Công nghệ và dịch vụ Moca - đơn vị quản lý ví điện tử Moca đã tuyên bố ngừng dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng Moca và ứng dụng Grab.
Tuy nhiên, phía Moca khẳng định vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược của Grab cho các hoạt động thanh toán trực tuyến, cung cấp một số dịch vụ trung gian thanh toán cho toàn bộ hệ sinh thái Grab tại Việt Nam.
Lý do được phía Moca đưa ra là nhằm thực hiện chiến lược tái cấu trúc. Công ty cho biết đã có những đánh giá cẩn trọng nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững.
Với nhiều người dùng, việc Moca dừng dịch vụ ví điện tử là một động thái gây bất ngờ, nhất là khi sản phẩm này đã gắn bó với Grab Việt Nam trong sáu năm nay.
Còn với giới quan sát, động thái từ phía Moca là điều có thể nhìn thấy từ trước. Khi vào cuối tháng 5/2024, Moca đã chủ động ngừng dịch vụ thanh toán hóa đơn trên Grab, đồng thời ngừng thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại trên ứng dụng Moca.
Đằng sau câu chuyện tái cấu trúc được đại diện Moca đưa ra, dường như có hai nguyên nhân chính lý giải cho sự rút lui của ví điện tử này.
Đầu tiên là những thay đổi đáng kể về mặt thị phần. Moca được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào hồi đầu năm 2016, và trở thành một trong những ví điện tử đầu tiên của thị trường.
Tới tháng 9/2018, Grab công bố mua lại cổ phần và hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca. Kể từ đây, số lượng người dùng Moca đã tăng gấp sáu lần chỉ trong hơn một năm.
Với vai trò là giải pháp thanh toán di động cho toàn bộ hệ sinh thái Grab, Moca được sử dụng để thực hiện các dịch vụ, hoặc thanh toán cho các chuyến xe, đặt thức ăn, giao nhận hàng, chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán hóa đơn.
Vào quý 4/2019, khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện đã chỉ ra, người dùng Moca có tần suất sử dụng ví điện tử cao nhất thị trường. Cùng với Momo và ZaloPay, Moca là một trong ba ví điện tử phổ biến nhất, chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử Việt Nam.
Ở thời điểm hoàng kim của Moca, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ mới đạt được 14%, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, khi tỷ lệ khách hàng dùng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt hơn 49%, cuộc chơi trên thị trường ví điện tử đã phần nào thay đổi.
Theo báo cáo công bố bởi Decision Lab và Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam trong quý 1/2023, sáu ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục là MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay và VNPay.
Tuy nhiên, ba ví điện tử thông dụng hàng đầu đã không còn cái tên Moca. Ví điện tử nằm trong hệ sinh thái Grab Việt Nam đã bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 6, với mức độ thâm nhập thị trường chỉ là 7%, theo Decision Lab.
Thay vào đó, ba cái tên lần lượt dẫn đầu thị trường ví điện tử Việt Nam là MoMo, ZaloPay và ViettelPay. So với ba năm trước, bảng xếp hạng này được bổ sung thêm ví điện tử ShopeePay và VNPay.
Với việc thị phần đã giảm sút trong thời gian gần đây, chưa kể ví điện tử vốn được xem là một cuộc chơi "tốn kém", động thái Moca tự rút lui khỏi thị trường là điều dễ hiểu.
Khi chức năng thanh toán không còn giữ vai trò chiến lược trên nền tảng Grab, vị trí của Moca ngay lập tức được để lại cho các fintech cùng ngành là MoMo và Zalopay. Điều này giải thích tại sao, trong nửa cuối năm ngoái, Grab đã lần đầu mở cửa cho các nền tảng thanh toán của bên thứ ba.
Một nguyên nhân khác lý giải cho việc Moca ngừng dịch vụ ví điện tử còn xuất phát từ tham vọng "ngân hàng số" của Grab dường như không phù hợp với thị trường Việt Nam.
Dễ thấy, tại những thị trường được Grab coi là trọng điểm như Singapore, Indonesia, Malaysia, siêu ứng dụng này đều có chủ trương phát triển các nền tảng fintech của mình thành ngân hàng số - được xem là đích đến cuối cùng của mô hình ví điện tử.
Cụ thể, tại Singapore, Grab và Singtel thành lập liên doanh GXS Bank năm 2020 với giấy phép ngân hàng số. Tại Malaysia, Grab đã có được giấy phép ngân hàng số từ Bank Negara Malaysia vào tháng 4/2022. Tại Indonesia, Grab dự định thành lập ngân số thông qua việc bắt tay với Bank Fama International.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình ngân hàng số lại không mở ra cho các fintech, thay vào đó lại gắn với giấy phép của các ngân hàng truyền thống.
Điều kiện này khiến cho tham vọng của Grab dường như khó khăn hơn, từ việc tìm kiếm đối tác góp vốn, cho đến tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp có xuất xứ nước ngoài vào các tổ chức tín dụng.
Chính từ tham vọng ngân hàng số khó thành, Moca đã được dừng nhiệm ví điện tử dù đang là đối tác chiến lược của Grab Việt Nam. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, Grab sẽ nhắm tới một ngân hàng tại Việt Nam trong một tương lai không xa.
Grab lần đầu hòa vốn sau một thập kỉ
Việt Hưng