Áp lực nợ xấu do bão Yagi không đáng ngại

Nợ xấu giảm nhưng phân hóa

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nợ xấu do ảnh hưởng từ bão Yagi ở mức thấp.

Theo đó, thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của bão Yagi ở thời điểm hiện tại sẽ chưa quá lớn, mặc dù sẽ cần thêm thời gian để đánh giá thêm.

Báo cáo sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến ngày 20/9 ước tính có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng.

“Nợ xấu trên tổng dư nợ bị ảnh hưởng sẽ ở mức thấp và sẽ được phản ánh vào năm sau theo chỉ đạo của NHNN đối với các ngân hàng thương mại về sự linh hoạt trong hoạt động thu nợ, tạm thời khoanh nợ, hoãn/giãn nợ, giảm lãi đối với những khoản vay đến hạn”, báo cáo của VCBS nhận định.

Nhìn lại giai đoạn nửa đầu năm, VCBS cho áp lực nợ xấu vẫn ở mức cao tại cuối quý II/2024. Khi đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 2,22%, tiệm cận với vùng đỉnh về nợ xấu. Nguyên nhân đến từ nền kinh tế gặp khó, tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản và khó khăn của nhóm ngân hàng nhỏ.

Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng được dự báo vẫn sẽ hạ nhiệt theo xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung.

Nợ xấu sẽ có sự phân hóa về chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Với nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải.

Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp, và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024– 2025.

Áp lực nợ xấu do bão Yagi không đáng ngại

Tín dụng mạnh mẽ

Nhu cầu tín dụng có thể tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 14%. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản - sản xuất - đầu tư công, cho vay bán lẻ; cũng như chính sách của NHNN và hoạt động cho vay tái thiết sau bão.

Cụ thể, thị trường bất động sản và hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đầu tư công kỳ vọng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan hơn trong nửa cuối năm. Đồng thời, cho vay bán lẻ kỳ vọng có sự phục hồi rõ nét hơn, đặc biệt ở mảng cho vay mua nhà.

Ngoài ra, chính sách điều hành tăng trưởng tín dụng mới của NHNN cấp thêm tín dụng cho những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm đang tạo điều kiện giúp các ngân hàng chủ động cung ứng nguồn vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, VCBS kỳ vọng tín dụng được thúc đẩy từ những dòng vốn mới trong những tháng cuối năm 2024 với mức lãi suất và quy mô hợp lý, bơm ra nền kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân ở khu vực phía Bắc.

Dòng tín dụng này sẽ giúp khách hàng có vốn mới quay vòng để phục hồi sản xuất kinh doanh và khắc phục thiệt hại sau bão Yagi, cũng như có thời gian vừa đủ để doanh nghiệp tái sản xuất sinh lời và có điều kiện để trả nợ.

Tín dụng được đẩy mạnh góp phần gia tăng đóng góp của thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Thống kê cho thấy, trong quý II/2024, biên lãi thuần (NIM) toàn ngành đạt 3,38%, nhích nhẹ so với kết quả 3,37% trong quý liền trước.

Tuy nhiên, lãi suất huy động trong giai đoạn qua đã tăng trở lại, vì vậy trong nửa cuối năm 2024, NIM của hầu hết ngân hàng được dự báo đi ngang.

Theo VCBS, việc gia tăng tỷ trọng cho vay trung dài hạn và đẩy mạnh hơn phân khúc cho vay cá nhân với lợi suất cho vay cao hơn so với phân phúc khách hàng doanh nghiệp là những yếu tố giúp hỗ trợ duy trì NIM trong nửa cuối năm 2024.

Đồng thời, những ngân hàng có lợi thế trong hoạt động huy động vốn với tỷ trọng CASA cao, có chất lượng tài sản tốt và tệp khách hàng đa dạng kỳ vọng có nhiều cơ hội cải thiện trong nửa cuối năm so với mặt bằng chung toàn ngành.

“Mất bò” mới lo mua bảo hiểm

“Mất bò” mới lo mua bảo hiểm

Sau cơn bão Yagi, nhiều người dân mới thực sự nhận ra giá trị của việc mua bảo hiểm. Những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và kinh tế khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, và bảo hiểm trở thành giải pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống trước những rủi ro bất ngờ…
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.