Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đồng loạt tăng điểm trong phiên, được thúc đẩy bởi kết quả tích cực của nhóm tài chính và cổ phiếu vốn hoá nhỏ…
Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Dow Jones tăng 337,28 điểm (+0,79%) đạt 43.077,70 điểm, S&P 500 nhích 27,21 điểm (+0,47%) thành 5.842,47 điểm và Nasdaq Composite leo 51,49 điểm (+0,28%) lên 18.367,08 điểm.
Đây là lần thứ 3 trong 4 phiên gần đây Dow Jones thiết lập các mức kỷ lục mới, vượt qua ngưỡng 43.000 điểm và bù đắp cho khoản lỗ từ phiên trước.
4 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P cũng đạt mốc đóng cửa cao kỷ lục, bao gồm tài chính, tiện ích, nguyên vật liệu và công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực tiện ích dẫn đầu với mức tăng 2% khi cổ phiếu Dominion Energy tăng 5,1% nhờ ký kết thỏa thuận phát triển công nghệ hạt nhân với Amazon.
Phố Wall đã trải qua một phiên giao dịch tích cực với nhóm cổ phiếu tài chính ghi nhận thành tích ấn tượng.
Cổ phiếu Morgan Stanley đóng cửa ở mức cao kỷ lục, tăng 6,5% bởi báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 3 nhờ doanh thu từ ngân hàng đầu tư tăng vọt. Các ngân hàng khu vực lớn như First Horizon và U.S. Bancorp cũng lần lượt tăng 4,1% và 4,7% sau khi công bố kết quả kinh doanh hàng quý.
“Nhà đầu tư đã chuyển sự chú ý từ nhóm công ty công nghệ lớn sang các doanh nghiệp tài chính vì môi trường lãi suất hiện tại đang tạo điều kiện thuận lợi cho lợi nhuận ngân hàng, trong khi giá trị của cổ phiếu công nghệ phản ánh phần lớn kỳ vọng về AI”, Michael Kantrowitz, chiến lược gia trưởng tại Piper Sandler cho biết.
Chỉ số vận tải leo 1,9% nhờ đà tăng mạnh của United Airlines, “nhảy vọt” 12,4% nhờ dự báo lợi nhuận quý 4 vượt kỳ vọng. Đồng thời, hãng hàng không Mỹ cũng công bố chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 1,5 tỷ USD.
Các đối thủ Delta Air Lines và American Airlines đồng loạt được hưởng lợi, tăng 6,8% và 7,1%.
Thị trường dường như cũng đang tỏ ra ưu ái đối với cổ phiếu vốn hoá nhỏ, với chỉ số Russell 2000 leo 1,6%, S&P Small Cap 600 thêm 1,4% và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Dù vậy, ông Kantrowitz cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch toàn diện sang cổ phiếu vốn hóa nhỏ. “Giới đầu tư đang cố gắng mở rộng danh mục nhưng vẫn tập trung vào các cổ phiếu chất lượng cao thay vì tìm đến những cổ phiếu giá trị thấp”, ông Michael Kantrowitz nhận xét.
Trong phiên, một số cổ phiếu công nghệ đã gặp áp lực. Apple trượt 0,9% sau khi lập đỉnh phiên trước, còn Alphabet, Meta và Microsoft đều giảm từ 0,2% đến 1,6%. Riêng Nvidia “lội ngược dòng”, tăng thêm 3,1% dù đã giảm gần 5% ở phiên trước.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đón các báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới và dữ liệu doanh số bán lẻ cũng như dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 9, dự kiến công bố vào thứ Năm.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ ĐI XUỐNG
Giá dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/10 do dự báo nhu cầu dầu toàn cầu yếu và các lo ngại về xung đột Trung Đông đã giảm bớt.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm nhẹ 3 cent, còn 74,22 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 19 cent, tương đương 0,3%, xuống 70,39 USD/thùng.
Giá dầu ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào đầu tuần sau sau khi tiếp nhận thông tin Israel không có kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran.
Trong khi đó, về khía cạnh nhu cầu, cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế đều cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, với phần lớn mức giảm đến từ Trung Quốc.