Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm vào thứ Ba. Trong đó, Nasdaq thiên về công nghệ có mức giảm lớn nhất do cổ phiếu ngành chip suy yếu trước lo ngại về nhu cầu. Lĩnh vực năng lượng mất 3% khi giá dầu trượt dốc…
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones giảm 324,80 điểm (-0,75%) xuống 42.740,42 điểm, S&P 500 mất 44,59 điểm (-0,76%) thành 5.815,26 điểm và Nasdaq Composite trượt 187,10 điểm (-1,01%) còn 18.315,59 điểm.
Công nghệ (-1,8%) và năng lượng (-3%) là hai lĩnh vực chứng kiến mức giảm lớn nhất. Ngược lại, một số lĩnh vực phòng thủ tăng điểm, điển hình như bất động sản tăng 1,2%, tiếp theo là hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 0,6% và tiện ích leo 0,5%.
Ở lĩnh vực tài chính, cổ phiếu Bank of America nhích nhẹ 0,5% sau báo cáo lợi nhuận quý 3 vượt dự báo. Cổ phiếu Charles Schwab “nhảy vọt” 6% cũng nhờ kết quả tích cực. Tuy nhiên, Citigroup lại giảm 5% do lợi nhuận ròng giảm và thu nhập lãi ròng yếu hơn kỳ vọng.
Một số điểm sáng khác trong phiên phải kể đến Apple, leo 1,1% sau khi có thời điểm đạt mức cao kỷ lục. Walgreens Boots Alliance tăng “phi mã” 15,8% nhờ lợi nhuận vượt dự báo và thông tin về kế hoạch đóng 1.200 cửa hàng nhằm giảm thiểu chi phí.
Chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ chịu áp lực lớn do Nvidia, công ty sản xuất chip hàng đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo, giảm 4,7% do thông tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc giới hạn xuất khẩu chip AI.
Cổ phiếu chip suy yếu trên diện rộng, với ASML Holdings mất tới 16% do dự báo doanh thu 2025 không mấy khả quan. Tất cả những điều này đã kéo chỉ số Philadelphia Semiconductor giảm 5,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9.
“Ngành chip đang chịu nhiều áp lực, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực công nghệ,” Kevin Gordon, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Charles Schwab nhận xét. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng không phải tất cả cổ phiếu đều giảm, mà là những cổ phiếu lớn đang kéo thị trường đi xuống.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi loạt báo cáo thu nhập quý 3 và một số dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp hàng tháng.
Về khía cạnh lãi suất, chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly cho biết mặc dù đã cắt giảm lãi suất vào tháng 9 nhưng các nhà hoạch định vẫn sẽ tiếp tục với nỗ lực kiểm soát lạm phát. Thị trường kỳ vọng 98% khả năng Fed sẽ giảm thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11, theo công cụ FedWatch của CME.
GIÁ DẦU MẤT HƠN 4%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần cho lo ngại về nhu cầu yếu và thông tin Israel sẽ không tấn công cơ sở dầu mỏ Iran, từ đó giảm bớt lo ngại về gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 3,21 USD, tương đương 4,14%, xuống 74,25 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 3,25 USD, tương đương 4,4%, còn 70,58 USD/thùng.
Hai hợp đồng chuẩn đều đã giảm khoảng 2% trong phiên trước. “Toàn bộ mức tăng của tuần trước đang dần bị xoá bỏ hoàn toàn. Những gì chúng ta đang thấy không hẳn là vấn đề nguồn cung, mà là rủi ro liên quan đến cung - cầu”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group đánh giá.
Cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tuần này đều hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, trong đó Trung Quốc là nguyên do chính cho sự điều chỉnh này.