Giải mã hiện tượng tỷ giá USD trong nước ngược chiều thế giới

Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,43%, trong khi tại Việt Nam, đồng USD tăng từ 5 đến 10 VND.

Giải mã hiện tượng tỷ giá USD trong nước ngược chiều thế giới
Tỷ giá USD ngược chiều thế giới

Phát biểu chuẩn bị trước cho hai buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ trong ngày 6/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định, Uỷ ban vẫn sẽ không hạ lãi suất cho tới khi tự tin rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% một cách chắc chắn.

Sau bài phát biểu đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,43%, xuống mốc 103,37.

Trong khi đó, tại Việt Nam, trong phiên giao dịch sáng nay, ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá USD trung tâm của đồng Việt Nam tăng 5 đồng, đạt mức 24.017 đồng.

Tại các ngân hàng lớn: Vietcombank có mức mua vào là 24.490 và mức bán ra là 24.860, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch ngày 6/3. Các ngân hàng khác như BIDV, Vietinbank, Agribank cũng có biến động tương tự. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 24.448 đồng đến 24.850. Giá đồng USD tại thị trường tự do còn cao hơn, dao động trong khoảng 25.220 đồng/USD đến 25.350 đồng/USD.

Nhu cầu nhập khẩu tăng

Vì sao có sự trái chiều tỷ giá USD tại thị trường trong nước và thế giới. Sở dĩ tỷ giá USD giảm giá trên thị trường thế giới thì đã rõ. Tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã làm các nhà giao dịch giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Điều này khiến nhiều nhà giao dịch không đặt cược vào việc tăng giá vào đồng USD.

Nhưng với thị trường trong nước, tỷ giá USD vẫn tăng, mặc dù xuất khẩu tăng mạnh trong hai tháng đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Những số liệu này gợi ý rằng, đồng USD trong nước dư giả hơn.

Mặc dù vậy, tỷ giá USD trong nước vẫn tăng. Nguyên nhân là do đơn hàng đã tăng. Kết quả sản xuất - kinh doanh trong 2 tháng đầu năm cho thấy nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng đến hết quý 2; đơn hàng máy tính và sản phẩm điện tử tiêu dùng cũng phục hồi.

Để đáp ứng đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý hơn, trong 18% tăng trưởng nhập khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%, trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng 27,4% - đây chính là khu vực cần đồng USD ở thị trường trong nước nhất.

Một con số khác cho thấy tình hình này: 2 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.