Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã lý giải về việc dòng tiền vẫn đổ về ngân hàng ở mức cao nhất từ trước đến nay dù lãi suất tiết kiệm giảm sâu. Ông Hùng cũng phân tích, làm rõ vấn đề liên quan tới điểm mới trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, được dư luận quan tâm như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, những lo ngại xung quanh việc xử lý nợ xấu của ngân hàng…
Một điểm mới trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, được dư luận quan tâm là Ngân hàng Nhà nước đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm. Điều được cho là sẽ giúp các tổ chức tín dụng chủ động hơn trong việc lên kế hoạch phân bổ tín dụng cho cả năm. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại về việc các ngân hàng sẽ cho vay ồ ạt, dẫn đến chất lượng tín dụng không được kiểm soát. Quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, việc giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm là một bước tiến lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Quyết định này sẽ giúp các tổ chức tín dụng lên kế hoạch sớm và tự chủ được các quyết định của mình. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư phù hợp, để trình cổ đông thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây.
Sự chủ động cũng giúp các tổ chức tín dụng có thể mở rộng tín dụng, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: khu vực nông nghiệp, nông thôn, lâm sản, thủy sản, và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Đối với những ý kiến lo ngại cho rằng tổ chức tín dụng sẽ cho vay ồ ạt, dẫn đến chất lượng tín dụng không được kiểm soát, tôi cho rằng không đáng để lo ngại. Bởi lẽ, hoạt động cho vay của các ngân hàng bị ràng buộc chặt chẽ bởi rất nhiều quy định pháp luật. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng xác định khi cho vay cần phải đảm bảo được các hệ số an toàn, bởi vì nếu vi phạm thì cơ quan quản lý sẽ có biện pháp xử lý. Do vậy, sẽ không có chuyện tăng trưởng tín dụng ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng và không giám sát chặt chẽ dòng vốn cho vay.
Bản thân các tổ chức tín dụng hiện nay cũng đang thực hiện rà soát, đánh giá lại hoạt động kinh doanh của mình để có những giải pháp hợp lý, hướng dòng vốn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp, có hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị 01 được Ngân hàng Nhà nước đề cập đến là yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Vậy, trong bối cảnh Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đến ngày 1/7/2024 mới có hiệu lực, công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của ngân hàng sẽ đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của các tổ chức tín dụng trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vấn đề xử lý nợ xấu. Do đó, công tác thu hồi nợ xấu và xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ mà các tổ chức tín dụng cần xây dựng kịch bản, kế hoạch, giải pháp để công tác này đạt hiệu quả.
Trong bối cảnh Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong công tác thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Dẫu vậy, các tổ chức tín dụng vẫn cần tuân thủ, thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đúng với các quy định của pháp luật và Luật Dân sự.
Điều tôi lo lắng khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực là vấn đề về ý thức trả nợ, tâm lý chây ì không trả nợ, bởi không có giải pháp, quy định pháp luật nào để thu hồi và xử lý nợ xấu. Sẽ lại xuất hiện tình trạng “con nợ” cố tình không trả nợ, không tự nguyện bàn giao tài sản, tạo ra những trường hợp tranh chấp giả tạo dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng.
Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, các tổ chức tín dụng cũng không có đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Do vậy, các tổ chức tín dụng cần xác định việc thu nợ là nhiệm vụ của mình, trước khi cho vay cần hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục và điều kiện cho vay.
Đây là vấn đề không chỉ riêng Hiệp hội Ngân hàng mà các tổ chức tín dụng cũng rất lo lắng, bởi trước đây còn có các tổ chức chính quyền cùng vào cuộc trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhưng bây giờ chỉ còn ngân hàng “đơn thương độc mã” trong xử lý nợ xấu. Nếu người dân chây ì không trả nợ, các tổ chức tín dụng không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ. Tình trạng này tái diễn thì đến bao giờ ngân hàng mới xử lý được nợ xấu?
Về lâu dài, cần có hành lang pháp lý mới, đồng bộ hơn để giải quyết bài toán “cục máu đông” nợ xấu. Theo tôi, cần sửa đổi Luật Dân sự để phù hợp hơn với thực tiễn, có quy trách nhiệm rõ ràng cho những người có khả năng trả nợ mà chây ì không trả nợ.
Phải chăng việc lo ngại nợ xấu gia tăng, khó thu hồi nợ; hay cán bộ ngân hàng sợ trách nhiệm… dẫn đến “e dè” khi cho vay, là những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm, nhất là trong những quý đầu năm 2023?
Tăng trưởng tín dụng chậm có 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu do tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động chung của toàn cầu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực và thế giới giảm. Những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, cùng với những khó khăn nội tại trong nước đã khiến các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dẫn đến, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm;
Thứ hai, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, không ít cán bộ tín dụng có tâm lý e ngại về trách nhiệm khi phê duyệt tín dụng, đặc biệt với các hồ sơ/phương án kinh doanh chưa thực sự khả thi. Điều này dẫn đến việc ra quyết định tín dụng sẽ thận trọng hơn, để đảm bảo an toàn dòng vốn.
Do vậy, để giải quyết những bất cập trên, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước. Tiếp đến là, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đây là các lĩnh vực mở ra tiền đề trong năm 2023, giúp mang về nguồn ngoại tệ tương đối lớn.
Như ông đã nói, có một số lĩnh vực tạo nền tảng tốt trong năm 2023, tạo đà cho năm 2024; giới chuyên môn cũng đưa ra dự báo kinh tế trong nước và thế giới năm 2024 sẽ sáng hơn, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang ở mức thấp kỷ lục… Tất cả những yếu tố trên được cho là sẽ tạo động lực tốt cho tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, liệu tăng trưởng tín dụng có cải thiện hơn năm 2023 không và liệu các ngân hàng có giảm thêm lãi suất cho vay không thưa ông?
Một trong những “hiện tượng lạ” mà tôi chưa từng thấy trong ngành Ngân hàng trước đây đó là, trong bối cảnh thế giới lạm phát cao, ở Việt Nam mức lãi suất thấp kỷ lục nhưng nguồn tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào hệ thống ngân hàng. Cần nói rõ là nguồn tiền đổ vào ngân hàng không hoàn toàn từ dân cư mà đến từ cả các tổ chức kinh tế.
Điều này theo tôi có thể lý giải như sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh xung đột địa chính trị trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế nhiều nước trên thế giới mặc dù đã cải thiện song vẫn luôn trong trạng thái chưa ổn định, lạm phát có thể quay lại và bùng phát bất cứ lúc nào…
Còn ở nước ta, tiền đồng Việt Nam (VND) là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chủ trương chính sách phù hợp, vì vậy, chúng ta có một nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội hết sức an toàn và ổn định.
Thứ hai, thị trường vốn chưa ổn định, kênh huy động vốn qua chứng khoán, trái phiếu còn gặp nhiều khó khăn, chưa lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; thị trường bất động sản trầm lắng... Do vậy, kênh gửi tiền tại ngân hàng đang là nơi “trú ẩn” ổn định và an toàn nhất cho nguồn vốn nhàn rỗi.
Về việc ngân hàng chậm giảm lãi suất cho vay, tôi cho rằng cần nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện hơn trên các khía cạnh. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023 các ngân hàng thương mại huy động với lãi suất rất cao 10 - 12%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng. Do vậy, lãi suất cho vay thời điểm đó cũng rất cao, đến nay mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng vì thời hạn huy động lãi suất cao tối thiểu là 6 - 12 tháng nên các ngân hàng thương mại phải giảm dần tương ứng và không thể giảm ngay được.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại muốn giảm lãi suất cũng phải tuân thủ theo quy định pháp luật, vì giao kết ban đầu với lãi suất cao, nay muốn giảm lãi suất cần phải có chủ trương của nhà nước, nghị quyết của HĐQT/HĐTV và đảm bảo theo quy định pháp luật, đồng thời phải có cơ sở để giải trình với cơ quan thanh tra, kiểm toán. Việc giảm lãi suất cho vay cần đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, có lộ trình. Vì vậy, không thể thực hiện một cách tuỳ tiện.
Bên cạnh đó, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay và có sự phân hoá về mức giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Năm 2024 được kỳ vọng là năm sẽ khởi sắc đối với hoạt động kinh tế vĩ mô nói chung, hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng. Các diễn biến kinh tế cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang dần phục hồi, nhu cầu hàng hóa dự báo sẽ tăng cao. Cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu vốn là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt liên quan đến nông nghiệp, lâm sản và thủy sản sẽ rất lớn. Ở trong nước, cầu tiêu dùng cũng đang cải thiện, hoạt động của các doanh nghiệp cũng đang tốt lên. Nắm bắt thời cơ đó, theo tôi, dòng vốn ngân hàng cũng nên tập trung nhiều vào các lĩnh vực này để đem lại hiệu quả cao nhất. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Phong