Loại bỏ những cổ phiếu yếu, giải ngân ở những nhóm ngành thu hút dòng tiền

Nhà đầu tư tranh thủ loại bỏ nốt những cổ phiếu yếu và không có nhịp hồi phục cùng thị trường ra khỏi danh mục. Bên cạnh đó, tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để tiếp tục giải ngân từng phần ở những nhóm ngành có tín hiệu thu hút dòng tiền tốt và có thời gian dài tích lũy...

Chứng khoán ngày 23/10, mở đầu với sắc xanh lan tỏa trên VN-Index, nhưng đà tăng không duy trì được lâu. Ngay từ giữa phiên sáng, áp lực bán từ bên nắm giữ cổ phiếu gia tăng mạnh, khiến sắc đỏ bao phủ thị trường.

Sau giờ nghỉ trưa, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư càng rõ nét, khiến VN-Index liên tục dao động giữa các mức tăng và giảm. Cuối cùng, chỉ số chốt phiên tại 1.270,9 điểm, nhích nhẹ 1,01 điểm so với mức tham chiếu, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài suốt 3 phiên trước đó.

Thị trường ghi nhận độ rộng tích cực khi có 204 mã đóng cửa trong sắc xanh, vượt xa con số 156 mã giảm. Trong rổ VN30, có 14 cổ phiếu tăng điểm, trong khi 11 mã lùi xuống dưới tham chiếu.

Cổ phiếu VIC dẫn đầu nhóm tác động tích cực, tăng mạnh 2,37%, trở thành động lực chính kéo VN-Index đi lên. FPT, STB, TPB, MSN, PLX và PDR cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, góp phần vào đà hồi phục của thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngành hàng không tiếp tục hưởng lợi từ tâm lý lạc quan của thị trường, với phần lớn các mã đóng cửa trong sắc xanh. SGN tăng 1,4%, SCS tăng 0,6%, NCT tăng 0,5%, trong khi VJC cũng nhích nhẹ 0,2%. Ngành cảng biển cũng góp phần tích cực vào phiên tăng hôm nay, với PVT tăng 1,6%, HAH tăng 0,8% và DVP tăng 0,3%.

Ở chiều ngược lại, VHM giảm sâu 2,59%, trở thành mã kéo chỉ số VN-Index đi xuống mạnh nhất. BID, HPG, VPB, GVR, MWG và QCG cũng nằm trong nhóm những cổ phiếu gây áp lực giảm điểm. Đáng chú ý, QCG giảm kịch sàn xuống 10.300 đồng/cổ phiếu, đóng cửa trong trạng thái trắng bên mua.

Thanh khoản thị trường tiếp tục yếu khi khối lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 590 triệu cổ phiếu, giảm hơn 204 triệu đơn vị so với phiên trước. Giá trị giao dịch cũng giảm mạnh xuống 14.051 tỷ đồng, thấp hơn 5.040 tỷ đồng so với phiên trước, đồng thời là mức thấp nhất trong gần một tuần qua.

Cổ phiếu VHM dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với 1.560 tỷ đồng (tương ứng 33,3 triệu cổ phiếu), vượt xa các mã tiếp theo là VIB (450 tỷ đồng, tương ứng 24,2 triệu cổ phiếu) và STB (427 tỷ đồng, tương ứng 12,1 triệu cổ phiếu).

Sau chuỗi bán ròng suốt 8 phiên liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng nhẹ với tổng giá trị hơn 9 tỷ đồng. Cụ thể, họ mua vào 36,9 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 1.142 tỷ đồng, trong khi bán ra 36,2 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 1.132 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại tập trung gom mạnh TCB với giá trị ròng 145 tỷ đồng, STB hút ròng 56,5 tỷ đồng và MSN 37,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh với 87,3 tỷ đồng, tiếp theo là HPG với 56,6 tỷ đồng và SHS 46,7 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-10-23-luc-192108-1902-6202.png
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Loại bỏ những cổ phiếu yếu

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Khuyến nghị các nhà đầu tư tranh thủ loại bỏ nốt những cổ phiếu yếu và không có nhịp hồi phục cùng thị trường ra khỏi danh mục. Bên cạnh đó, tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để tiếp tục giải ngân từng phần ở những nhóm ngành có tín hiệu thu hút dòng tiền tốt và có thời gian dài tích lũy, đang bật tăng từ nền như bất động sản, chứng khoán.

Hạn chế việc mua thêm ở giai đoạn này

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

VN-Index đảo chiều xanh điểm nhẹ sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm mạnh so với phiên trước và thấp hơn (-21,7%) so mức trung bình 20 phiên.Đảo chiều với sắc xanh nhẹ và thanh khoản yếu chưa cho thấy một tín hiệu tích cực đáng chú ý nào mà thiên về nhịp hồi kỹ thuật hơn.

Trên biểu đồ kỹ thuật, kết thúc ngày với thân nến Doji cộng với phiên giảm mạnh trước đó hình thành nên mẫu hình nến đảo chiều “Harami Cross”. Tuy vậy, tín hiệu đảo chiều theo quan điểm của chúng tôi là khá thấp, thay vào đó là tín hiệu cho thấy áp lực bán có chiều hướng tạm ngưng trong ngắn hạn.

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, hạn chế việc mua thêm ở giai đoạn này và cần kỷ luật căn bán, hạ bớt một phần tỷ trọng ở những danh mục cổ phiếu trong tài khoản đang vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro, ưu tiên nhịp tăng ngắn hạn để có điểm bán tốt hơn.

Các tín hiệu kỹ thuật vẫn đang nghiêng về ưu thế của phe bán

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Đà điều chỉnh phần nào có sự giải tỏa ở các cổ phiếu vốn hóa lớn với sự co hẹp hơn về áp lực bán và lực cầu cho thấy sự chủ động bắt đáy ở một số nhóm dẫn dắt, giúp VN-Index tạo nến rút chân và từ chối đóng cửa ở trạng thái giảm điểm.

Mặc dù các tín hiệu kỹ thuật vẫn đang nghiêng về ưu thế của phe bán, với diễn biến hiện tại, vận động đi ngang sẽ tạm thời đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn và nhịp điều chỉnh sẽ có xu hướng thoải dần cho đến khi chỉ số tìm được điểm cân bằng mới.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể áp dụng chiến lược mua bán linh hoạt hai chiều, mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự, kết hợp với việc tái cơ cấu và điều chỉnh tỷ trọng nắm giữ về mức cân bằng.

Tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt

Chứng khoán Asean

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên quản trị danh mục cẩn trọng, theo sát diễn biến tỷ giá và các động thái của Ngân hàng nhà nước trong thời gian tới để xác định xu hướng điều chỉnh hiện tại có thể diễn ra trong bao lâu.

Chúng tôi duy trì quan điểm đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu trung bình và ổn định, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, chờ đợi giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện và định giá về mức hấp dẫn.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.