Trong ba tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư tăng hơn 143 nghìn tỷ đồng, đạt lũy kế hơn 6,67 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 13,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 143 nghìn tỷ so với tháng 2.
Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân cư lập kỷ lục mới, đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tăng gần 39 nghìn tỷ đồng trong tháng 3. Trong ba tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư tăng hơn 143 nghìn tỷ đồng.
Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng gần 104 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 và đạt hơn 6,62 triệu tỷ đồng. Mặc dù vây, lũy kế ba tháng đầu năm tiền gửi vẫn ghi nhận tăng trưởng âm 3,14%, tương ứng giảm 214 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, dù trong ba tháng đầu năm lãi suất ở mức rất thấp, người dân vẫn đẩy mạnh gửi tiền. Dòng tiền này có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, khi nhiều nhà băng có động thái tăng lãi suất huy động kể từ tháng 4 và bắt đầu lan rộng hơn từ tháng 6.
Tình từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất cho tiền gửi thông thường ở nhiều ngân hàng tư nhân đã lên mức 6%/năm, có thể kể đến HDBank, NCB…Phần lớn những ngân hàng khác áp dụng lãi suất 5-5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank vẫn duy trì mức lãi suất huy động rất thấp, quanh mức 4,7% - 5%/năm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận, lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã tăng 10 – 30 điểm cơ bản so với vùng đáy ở các kỳ hạn ngắn 1-12 tháng.
Điều này có thể đến từ việc thiếu thanh khoản tạm thời trên thị trường liên ngân hàng phần nào đã tác động đến lãi suất huy động ở thị trường 1.
Nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung ổn định tỷ giá thông qua các công cụ OMO, phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối và vẫn giữ chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, KBSV nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30 – 50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên từ đó tăng nhu cầu huy động.
Trong khi đó, công ty chứng khoán Maybank dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể bước thêm một bước nữa là tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá. Maybank đánh giá tăng lãi suất điều hành là biện pháp cuối cùng khi áp lực lên tiền đồng và dự trữ ngoại hối trở nên căng thẳng.
Các chuyên viên phân tích của Maybank đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn, dưới sáu tháng như là công cụ chính sách chính để nâng lãi suất tiền gửi trên thị trường.
Vì tiền gửi là nguồn vốn chính của các ngân hàng, nên việc lãi suất tiền gửi cao hơn sẽ được chuyển sang làm tăng lãi suất cho vay, nhưng với độ trễ khoảng ba đến sáu tháng.
Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, lãi suất cho vay có thể được giữ ở mức thấp thông qua các lãi suất ưu đãi cho các ngành ưu tiên.
Việc tăng lãi suất điều hành có thể coi là giải pháp cuối cùng khi Chính phủ vẫn đang đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu. Tính đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,79%, còn xa so với mục tiêu 15% của cả năm 2024.
Theo Nghị quyết số 93/NQ-CP mới ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức 4%.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Chính phủ yêu cầu thúc đẩy tín dụng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Trần Anh