Vé máy bay ngày càng đắt đỏ
Nếu như các năm trước đây, sau cao điểm Tết Nguyên đán, giá vé máy bay sẽ dần hạ nhiệt, thì năm nay, dù đã bước sang tháng hai âm lịch, giá vé máy bay các chặng từ Bắc vào Nam vẫn ở mức cao.
Cuối tháng 3 dương lịch, các đường bay Hà Nội - TP. HCM có giá vé khứ hồi lên tới hơn 7 triệu đồng. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé khứ hồi từ 3,5 - 5 triệu đồng. Một số chặng bay nối chuyến có giá vé cao hơn ở mức 8-12 triệu đồng/vé khứ hồi.
Mặc dù đã giảm so với cao điểm Tết, song giá vé vẫn ở mức cao gấp đôi so với thời điểm trước đó. Phần lớn vé máy bay đều kịch trần hoặc tiệm cận giá trần, rất ít, thậm chí không có các vé máy bay giá thấp.
Chính vì mức giá máy bay tăng cao sau tết nên thông tin tăng trần giá vé máy bay của Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 3 vừa qua đã một lần nữa gây dậy sóng dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ càng là nguyên nhân khiến vé máy bay tăng giá. Tuy nhiên, có thể thấy mức tăng giá trần không đáng kể, chỉ khoảng 3,5% so với mức giá trước đó. Mức tăng này chỉ bằng mức tăng lạm phát hàng năm, không có tác động nhiều đến giá máy bay hiện tại.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá máy bay tăng cao như hiện nay?
Năng lực vận chuyển giảm mạnh
Chia sẻ về lý do khiến giá vé máy bay liên tục tăng cao, lãnh đạo một công ty phát triển hạ tầng hàng không cho rằng, trước hết là do năng lực vận chuyển của các hãng đang đồng loạt giảm mạnh.
Trước đó, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã ký ban hành chỉ thị tuân thủ và thực hiện thông báo kỹ thuật khẩn đối với động cơ PW1100 trên đội máy bay Airbus A321 NEO khai thác bởi các hãng hàng không Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang có 42 máy bay Airbus A321 NEO, Vietjet (22 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) sẽ phải tạm dừng khai thác để kiểm tra theo thông báo của Pratt & Whitney.
Theo vị lãnh đạo này, việc bảo dưỡng động cơ này nhiều khả năng sẽ phải thực hiện đến hết năm 2024, thậm chí sang cả năm 2025. Trong khi đó, đây chính là dòng tàu bay chủ lực của các hãng trên mạng đường bay nội địa.
Chính vì vậy, việc buộc phải tạm dừng khai thác một số lượng khá lớn tầu bay sẽ khiến năng lực vận chuyển của các hãng giảm mạnh.
Không chỉ hai ông lớn hàng không bị giảm số máy bay, Bamboo Airways cũng đang bị giảm mạnh số tàu bay và chuyến bay nội địa. Từ 30 tàu bay vào thời điểm chưa tái cơ cấu, hiện Bamboo Airways chỉ còn khoảng 8 tàu bay khai thác một số đường bay nhất định.
Mới đây nhất, Pacific Airlines cũng đã trả đối tác toàn bộ 6 máy bay A320 đang thuê để xử lý các khoản nợ lớn. Theo dự kiến, hãng này sẽ chuyển sang thuê máy bay của Vietnam Airlines để duy trì một số đường bay nội địa.
Như vậy, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mất thêm ít nhất ba máy bay để chuyển sang cho Pacific Airlines thuê lại.
Với động thái này, đội tàu bay của các hãng hàng không đưa vào khai thác sẽ tiếp tục giảm. Nguồn cung thiếu hụt trong khi nguồn cầu lớn lớn tất yếu sẽ khiến vé máy bay liên tục tăng nhiệt trong thời gian tới.
Chi phí đầu vào liên tục tăng cao
Nguyên nhân thứ hai khiến giá máy bay ngày càng đắt đỏ là do chi phí đầu vào của các hãng liên tục tăng mạnh. Trong đó có giá thuê tàu bay, chi phí thuê phi công, tiếp viên, giá dịch vụ mặt đất, chi phí nhiên liệu bay và tỷ giá tăng cao.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí của hãng hàng không. Trong đó, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015.
Thông tin Vietnam Airlines cũng cho thấy, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng.
Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.
Bên cạnh đó là vấn đề về tỷ giá, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND.
Từ năm 2015 đến năm 2022 tỷ giá tăng 6,6% (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%.
Đơn cử như với Vietnam Airlines, chi phí vận chuyển hành khách năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).
Bên cạnh đó là vấn đề về lương, thu nhập của phi công, tiếp viên. Theo cựu CEO một hãng hàng không, một trong những nguyên nhân góp phần làm cho giá vé máy bay ở Việt Nam trở nên quá cao là lương phi công cũng như tiếp viên phải đi theo mặt bằng thu nhập chung của ngành này trên thế giới.
Các hãng chạy đua bay quốc tế
Trong bối cảnh số máy bay giảm mạnh, từ cuối năm 2023 đến nay, một số hãng lại tiếp tục giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực bay quốc tế. Điều này càng khiến giá vé máy bay nội địa khan hiếm và tăng giá cao.
Theo đó, Vietjet rất tích cực, mở các đường bay quốc tế. Trong 125 đường bay, hãng hàng không này có 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.
Vietnam Airlines, tính đến cuối năm 2023, đã khôi phục được 90% mạng đường bay quốc tế, đồng thời tiếp tục mở thêm các đường bay mới đến Ấn Độ, Australia. Đơn cử như việc mở mới đường bay thẳng TP. HCM đến thành phố Perth
Dự kiến việc mở các đường bay quốc tế của các hãng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Tiếp sau sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Ấn Độ, Úc vào năm ngoái, thị trường Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo nhiều chuyên gia, việc bay quốc tế mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các hàng hàng không. Bay quốc tế giúp các hàng đón đầu sự phục hồi của du lịch, với lượng khách tăng cao và ổn định. Ước tính, một chuyến bay quốc tế có thể hiệu quả bằng 5-7 chuyến bay nội địa (không tính đường bay vàng Hà Nội - TP HCM).
Mặt khác, khi bay quốc tế, các hãng được phụ thu phí xăng dầu tuỳ theo chính sách của từng quốc gia.
Hiện nhu cầu bay quốc tế cũng đang phục hồi nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều đường bay nội địa như Hà Nội - Điện Biên, TP. HCM - Điện Biên, Hà Nội - Vinh... lại rất vắng khách. Chính vì vậy, các hãng đã giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực bay quốc tế.
Thực tế cho thấy, việc tích cực mở rộng các đường bay quốc tế đã giúp hoạt động kinh doanh của các hãng khởi sắc. Thị trường hàng không quốc tế tiếp tục dẫn dắt doanh thu, lợi nhuận các hãng hàng không.
Với Vietjet, đóng góp lớn vào con số doanh thu thuần hợp nhất đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế 344 tỷ đồng là việc Vietjet đã khai thác 133 nghìn chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách trong năm 2023. Trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng tới 183% so với năm 2022.
Với Vietnam Airlines, lũy kế cả năm 2023, hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần gần 91.460 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ do thị trường phục hồi và doanh thu quốc tế tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên, việc mở nhiều đường bay quốc tế, cắt giảm số đường bay nội địa cũng là nguyên nhân khiến giá vé tăng mạnh. Minh chứng là thời gian vừa qua, nhiều đường bay tới Côn Đảo bị cắt đã khiến giá vé máy bay tăng vọt.
Trong bối cảnh thiếu tàu bay, năng lực vận chuyển hàng không giảm mạnh do cả các yếu tố khách quan và chủ quan như hiện nay, vị lãnh đạo một công ty phát triển hạ tầng hàng không cho rằng, ít nhất trong 1 - 2 năm tới, giá vé máy bay sẽ luôn ở mức cao.
Người dân sẽ ngày càng ít có cơ hội được bay giá thấp. Trước đây, cơ cấu giá vé của các hãng luôn để khoảng 50% số lượng vé bằng giá trần ở các mùa cao điểm, lễ tết, cao điểm hè. Còn lại 50% lượng vé máy bay sẽ ở các dải giá từ bằng 75% giá trần trở xuống.
Tuy nhiên, khi cung không đủ cầu, giá đầu vào tăng cao, tất yếu các hãng sẽ phải đẩy giá cao, không còn các dài giá thấp. Giá vé máy bay hầu hết sẽ từ bằng 50% giá trần đến kịch trần. Số lượng vé máy bay giá rẻ sẽ ngày càng khan hiếm.
Phương Thu