Hệ lụy nếu nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được nhận định có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đề xuất bổ sung nước giải khát vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml được kiến nghị chịu mức thuế suất 10%.

Trong tờ trình, Bộ Tài chính giải thích, việc bổ sung đối tượng này là để thực hiện các chủ trương chỉ đạo về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Từ đó, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng.

Trong khi đó, việc áp thuế sẽ gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.

"Đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”, bà Vân Anh kiến nghị tại hội thảo góp ý về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi mới đây.

Lý do trước hết là mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát như Nhật Bản.

Không chỉ vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu – vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế.

Điều này khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống.

Ngoài ra, theo đại diện VBA, việc bổ sung nước giải khát vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành.

Kể từ Covid-19, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhờ những hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80%.

“Các doanh nghiệp trong ngành đã và đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát kéo theo sự suy giảm xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu gia tăng”, bà Vân Anh cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới về tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, các loại phí môi trường dự kiến bổ sung.

Tại văn bản góp ý hồi giữa tháng 4, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đồng quan điểm với đại diện VBA.

VCCI cho biết, các doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này chưa cân nhắc đến một số đặc thù riêng của Việt Nam. 

Đơn cử, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ thừa cân béo phì của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ về lượng calo trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam so với các nước khác.

Trên thế giới, số lượng quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống bổ sung đường là 54/193 quốc gia. Hiện nay, chưa có bằng chứng tại các nước trên cho thấy thuế này có tác dụng giảm béo phì. Đan Mạch đã bãi bỏ chính sách này vì không có tác động đáng kể đến sức khoẻ người tiêu dùng.

VCCI bổ sung, đánh thuế tiêu thụ đối với đồ uống có đường (được hiểu là đồ uống đóng chai công nghiệp) có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về như trà sữa, cà phê mang đi.

“Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được”, VCCI nhấn mạnh.

Do đó, tổ chức này đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ hơn đối với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần tính đến hiệu quả chung của toàn xã hội, tác động đến mọi ngành ra sao và có tăng thu ngân sách nhà nước hay không.

Theo ông, nếu chỉ áp thuế với nước giải khát có đường trong khi có nhiều thực phẩm chứa đường khác sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng với đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh hưởng tới các kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp như xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng, đào tạo nhân công. Nguyên nhân là bởi giá cả sản phẩm biến động sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện có hơn 700.000 nhà phân phối, hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng trà. Nếu áp thuế, tăng giá bán, sản phẩm khó tiêu thụ sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn nhà cung cấp và việc làm của hàng triệu hộ nông dân, ông Hưng cho hay.

Báo cáo nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương từng thực hiện năm 2018 và cập nhật năm 2021 cho thấy, nếu nước giải khát có đường bị áp thuế 10% thì nền kinh tế thiệt hại gần 900 tỷ đồng, làm giảm GDP 0,11%.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có nguy cơ làm giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát như bán lẻ, bao bì, mía đường cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Lợi bất cập hại?

Tin liên quan

Ngành bán lẻ kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm

Ngành bán lẻ kỳ vọng bứt phá trong nửa cuối năm

Các nhà bán lẻ tạp hoá như WinCommerce, Bách Hoá Xanh,... đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại của người tiêu dùng Việt Nam, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu vào nửa cuối năm 2024.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.