Tăng xuất khẩu nhưng lợi nhuận co hẹp

Điểm sáng trong xuất khẩu

Sau khi các số liệu kinh tế nửa năm đầu được công bố, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực về tình hình xuất khẩu của Việt Nam với những cụm từ ‘hồi phục mạnh mẽ’, ‘đà tăng trưởng trở lại’, ‘tăng trưởng tích cực’.

Đơn cử như Bộ Công Thương nhận định đang có những yếu tố thuận lợi từ bối cảnh quốc tế và trong nước để thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong 6 tháng cuối năm.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng dự báo rằng kinh tế và thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục, với khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến tăng 2,6% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025. Điều này tạo cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024.

Thực tế, xuất khẩu Việt Nam đã ghi nhận những kết quả khả quan trong bảy tháng đầu năm 2024, với tổng kim ngạch đạt 227 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Hải quan.

Nhiều mặt hàng như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, hạt tiêu, thủy tinh, cà phê, chè, các sản phẩm nội thất, khoáng sản và chất dẻo đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Số lượng xuất khẩu tăng nhưng đơn giá giảm

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành hàng đều hưởng lợi từ sự hồi phục này. Một số mặt hàng như đá quý, kim loại quý, than, clanhke và xi măng, thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tiếp tục đà giảm.

Top 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng trung bình hơn 17%. Nhìn sâu hơn, bức tranh của nhóm chủ lực này cũng có sự phân hóa rõ ràng.

Tăng xuất khẩu nhưng lợi nhuận co hẹp

Trong khi hơn nửa đầu trong danh sách tăng trưởng hai con số, một số ngành hàng khác lại ghi nhận giá trị xuất khẩu hồi phục khá ‘ì ạch’, thấp hơn nhiều so với mức trung bình như thủy sản tăng 8%, sản phẩm từ sắt thép và dệt may cùng tăng tầm 6%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng gần 5%; xơ, sợi dệt các loại tăng 3,5%; kim loại thường gần như đi ngang.

Đáng chú ý, điểm chung của các ngành hàng này là số lượng xuất khẩu, đơn hàng tăng mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay nhưng đơn giá lại ngày càng thấp. Điều này đã khiến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.

Điển hình, ngành dệt may - một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này là Mỹ, chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng kim ngạch chỉ tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, hai thị trường nhỏ hơn là Nhật Bản, Trung Quốc có mức tăng trưởng lần lượt là 6% và 15%, nhưng tổng cộng chỉ chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Điều này cho thấy rằng mặc dù có tăng trưởng ở các thị trường nhỏ, nhưng không đủ để bù đắp cho sự tăng trưởng thấp ở thị trường Mỹ.

Tăng xuất khẩu nhưng lợi nhuận co hẹp 2

Điều đáng lo ngại hơn là cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Bangladesh, Indonesia, và Mexico đang khiến doanh nghiệp Việt phải chấp nhận đơn giá thấp để duy trì và mở rộng thị phần, từ đó ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận.

Thực tế, thị phần của hàng dệt may Việt tại thị trường Mỹ tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, có tháng còn vượt qua Trung Quốc.

Số lượng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ nửa đầu năm nay tăng tới 11% so với cùng kỳ năm ngoái, và hầu hết doanh nghiệp Việt đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho đơn hàng dịp Noel và Tết.

Tuy nhiên, đơn giá xuất khẩu trung bình lại giảm tương đương 11%. So với năm 2019, đơn giá hiện tại thậm chí còn thấp hơn từ 20-50%, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Ngoài ra, các chi phí sản xuất ngày càng tăng, từ cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, đến lãi suất ngân hàng, đang làm cho tình hình tài chính của các doanh nghiệp dệt may thêm phần căng thẳng, đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nhiều chuyên gia dự báo cuộc cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may sẽ ngày càng khốc liệt trong thời gian tới, đặt biệt khi nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ chưa hồi phục.

Bên cạnh đó, các quốc gia, cũng xuất khẩu dệt may lớn, đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần như giảm giá, chính sách hỗ trợ trong nước đặc biệt là Trung Quốc.

Tăng xuất khẩu nhưng lợi nhuận co hẹp 3
Số lượng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ nửa đầu năm nay tăng tới 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Hoàng Anh

Đối với mặt hàng xơ sợi dệt, tình hình còn khó khăn hơn. Theo VITAS, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hàn Quốc… đã tiệm cận mức hòa vốn. Nếu không tiết giảm được các chi phí trong sản xuất, doanh nghiệp khó có thể đạt lợi nhuận.

Theo Vitas, một yếu tố làm tăng thêm sự bất ổn là giá bông. Giá bông tăng chưa đẩy giá sợi lên ngay, nhưng khi giá bông giảm, giá sợi lại lập tức giảm theo. Bông nhập khẩu mất 3-4 tháng để đến kho và doanh nghiệp sản xuất sợi theo giá bông nhập từ 3-4 tháng trước. Do đó, khi giá bông giảm, giá sợi hiện tại cũng bị kéo xuống ngay lập tức.

Tương tự, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Sản lượng xuất khẩu của hai mặt hàng chính là cá tra và tôm đều tăng trưởng hai con số, nhưng giá trị xuất khẩu bảy tháng đầu năm nay chỉ tăng lần lượt 9% và 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thị trường đang chi phối mạnh mẽ giá xuất khẩu và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh từ các nguồn cung khác lại tăng, dẫn đến giá xuất khẩu ở hầu hết các thị trường đều giảm.

Chiến lược đối phó

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn đang phải điều chỉnh chiến lược của mình để duy trì hiệu quả kinh doanh.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm và thủy sản - đã thông tin tại đại hội đồng cổ đông mới đây về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm kém khả quan, doanh thu, lợi nhuận còn cách xa kế hoạch. Lý do chủ yếu do xuất khẩu đang kém, trong khi áp lực cạnh tranh cao.

Do phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, doanh nghiệp này đã giảm sản lượng ở thị trường chính là Mỹ từ 22,34% xuống còn 20% trong năm 2023.

Minh Phú dự định chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Bởi đây là một thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ lớn và vị trí địa lý gần gũi, giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro về vận chuyển đường dài.

Tuy nhiên, những điều chỉnh này chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tập trung làm các đơn hàng có giá trị cao, có tính kỹ thuật và hạn chế làm những đơn hàng có giá trị thấp hoặc không có lợi nhuận.

Tin liên quan

Thách thức lớn trên thị trường lao động

Thách thức lớn trên thị trường lao động

Theo Yonhap, số lượng thanh niên không có việc làm, không được học hành hoặc không được đào tạo (gọi tắt là NEET) ở Hàn Quốc trong tháng trước đã đạt mức cao nhất so bất kỳ tháng 7 nào được ghi nhận, cho thấy những thách thức ngày càng lớn trên thị trường lao động của nước này.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.