Cơn đau đầu của chính phủ Trung Quốc khi người dân chi tiêu chắt bóp... từng đồng

Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn để chống lại tác động của nền kinh tế suy thoái...
Trung Quốc

Tờ NYTimes nhận định, để hiểu được người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay chi tiêu chắt bóp tới mức nào, cứ nhìn vào cuộc chiến giá cả khốc liệt đang diễn ra giữa các chuỗi cà phê đình đám tại đất nước tỷ dân này là thấy rõ.

CHỌN "CÁI NÀO RẺ HƠN"

Luckin Coffee, một chuỗi cửa hàng nổi tiếng của Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng và mở 10.800 cửa hàng thành công bằng cách giảm giá sản phẩm thấp hơn Starbucks. Nhưng giờ đây, Cotti Coffee, một đối thủ mới nổi do chính hai người sáng lập Luckin thành lập, thậm chí đang hạ giá sản phẩm thấp hơn cả Luckin.

Chiến lược của Cotti là mở các cửa hàng ngay gần các cửa hàng Luckin và tính giá sản phẩm - trong một số trường hợp - thấp hơn 1 nhân dân tệ, tương đương 15 xu so với đối thủ cho cùng một loại đồ uống. Đầu năm nay, Cotti bắt đầu chiến dịch hạ giá cà phê latte xuống 9,9 nhân dân tệ, tương đương 1,38 USD, khiến Luckin phải phản đòn, cũng hạ giá sản phẩm xuống mức đó và cam kết giữ nguyên giá trong hai năm. Nhưng, Cotti sau đó lại giảm giá cà phê xuống còn 8,8 nhân dân tệ.

tq1-6382.jpg
Việc người dân chuyển sang tiết kiệm là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với chính phủ Trung Quốc.

Chiến lược giá thấp đang phát huy tác dụng. Công ty cho biết, trong chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, Cotti đã mở hơn 5.800 cửa hàng, bán trung bình hơn 400 tách cà phê mỗi ngày tại mỗi cửa hàng.

Li Yingbo, giám đốc chiến lược của Cotti Coffee cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi không muốn thấy người tiêu dùng lưỡng lự về giá khi họ muốn uống cà phê”.

Sự cạnh tranh khốc liệt về giá cà phê cho thấy rõ xu hướng mới nổi của người tiêu dùng Trung Quốc, những người đang chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn để chống lại tác động của nền kinh tế suy thoái do lĩnh vực bất động sản gặp khủng hoảng và xuất khẩu giảm sút.

Tháng trước, hashtag “giảm chi tiêu” là một trong những chủ đề thịnh hành trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc.

Việc chuyển sang tiết kiệm là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với chính phủ Trung Quốc bởi họ cần người dân chi tiêu nhiều hơn. Để kích thích tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách đang dựa vào việc tăng tiêu dùng nội địa như một giải pháp thay thế cho chu kỳ bùng nổ hoặc thoái trào của chi tiêu cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản khiến chính quyền địa phương và các nhà phát triển ngập trong nợ nần.

He-Ling Shi, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne cho biết: “Người Trung Quốc thực sự không có nhiều tiền trong túi, vì vậy chính sách dựa vào tiêu dùng của người dân để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đã không thành công. Hiện giờ khi mọi người cắt giảm chi tiêu, thậm chí chiến lược này còn ít có khả năng thành công hơn nữa”.

Đối với những người tiêu dùng như Chen Xixi, 33 tuổi, quản trị viên đại học ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, có lý do để chi tiêu thận trọng. Cô đang giảm chi tiêu sau khi thu nhập của chồng cô từ công việc trong ngành tài chính bị giảm 2/3 sau đại dịch.

“Động lực kinh tế rõ ràng đã yếu dần. Tôi không biết mình muốn tiết kiệm tiền để làm gì nhưng tôi chỉ cảm thấy có một ít tiền phòng thân sẽ khiến tôi cảm thấy an tâm hơn”.

Thay vì mua cà phê ở Starbucks, Chen cho biết, cô chọn giữa Luckin và Cotti dựa trên tiêu chí “cái nào rẻ hơn”. Cô từng sử dụng loại toner dưỡng da đắt tiền của Nhật Bản nhưng gần đây cô đã chuyển sang loại của hãng nội địa Trung Quốc với giá rẻ hơn 90%. Cô cũng ngừng mua áo ngực và đồ lót tại Victoria's Secret, chọn một thương hiệu không có tên tuổi với giá 3 USD mỗi chiếc.

Chen nói: “Động lực kinh tế rõ ràng đã yếu dần. Tôi không biết mình muốn tiết kiệm tiền để làm gì nhưng tôi chỉ cảm thấy có một ít tiền phòng thân sẽ khiến tôi cảm thấy an tâm hơn”.

HÃNG GIÁ RẺ LÊN NGÔI

Starbucks cho biết doanh thu tại các cửa hàng mở hơn một năm ở Trung Quốc đã tăng 46% trong quý gần đây nhất, mặc dù lượng mua trung bình giảm 1%. Trong một cuộc họp vào tháng 8 với các nhà đầu tư, Belinda Wong, người đứng đầu Starbucks tại Trung Quốc, cho biết họ có kế hoạch duy trì tính kỷ luật với việc giảm giá. Luckin cũng có doanh thu tăng vọt trong mùa xuân, tăng 88% so với một năm trước đó, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng tại các cửa hàng hiện tại đã chậm lại.

Khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế “Zero Covid” vào tháng 12, đã có dự đoán rằng nền kinh tế sẽ phục hồi do nhu cầu bị dồn nén. Nhưng niềm tin bắt đầu suy yếu do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và các chỉ số kinh tế đáng thất vọng đều đặn công bố. Chi tiêu tiêu dùng bắt đầu chậm lại.

Từ tháng 1 đến tháng 5, doanh số bán lẻ tăng 9,3% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể bắt đầu từ tháng 6 và chưa phục hồi trở lại mức trước đó.

Trong một cuộc họp với các nhà phân tích đầu tư vào tháng 8, Meituan, một công ty giao đồ ăn ở Trung Quốc, đã cảnh báo rằng sự tăng trưởng của các đơn đặt hàng mang đi dự kiến sẽ giảm trong quý 3, một phần do nhu cầu thấp hơn từ những người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả. Ngay cả khi mức chi tiêu tăng lên từ mức thấp của đại dịch thì con số vẫn còn cách xa mức trước Covid.

Trong Lễ hội Thuyền rồng vào tháng 6 năm nay, thời điểm du lịch bận rộn, khách du lịch nội địa chi trung bình 49 USD/người. Theo số liệu thống kê do Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố, con số này cao hơn 8% so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn 14% so với năm 2019.

Hiện tại rất khó để có được thước đo chính xác về niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vì nước này đã tạm dừng công bố dữ liệu khảo sát vào mùa xuân này.

tq2-2386.jpg
Một số doanh nghiệp Trung Quốc nhìn thấy cơ hội từ cách thức tiết kiệm mới của người tiêu dùng.

Đối mặt với triển vọng không chắc chắn, người dân Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn. Theo dữ liệu do ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố vào tháng 7, tiền gửi ngân hàng hộ gia đình đã tăng 1,6 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ. Sự gia tăng tiết kiệm đặc biệt đáng chú ý do các ngân hàng Trung Quốc đã hạ lãi suất tiền gửi vào đầu tháng 6 với hy vọng khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu hoặc đầu tư nhiều hơn.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc nhìn thấy cơ hội từ cách thức tiết kiệm mới của người tiêu dùng.

Pinduoduo, một trang web mua sắm giảm giá, cho biết doanh thu tăng 63% trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng của công ty đang vượt qua Alibaba và JD.com, hai công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo và trang mua sắm Temu của Mỹ, đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng lên 31 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 19 tỷ USD vào năm ngoái, theo Hurun Global Rich List, chuyên trang theo dõi tài sản của những người giàu có ở Trung Quốc. Giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty đã tăng gần 60% trong năm ngoái.

Mixue Ice Cream & Tea, một chuỗi cửa hàng trà Trung Quốc nổi tiếng với đồ uống cà phê đá và trà sữa có giá bán dưới 1 USD, đã mở 18.300 cửa hàng trong 3 năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên hơn 20.000, theo Canyan Data, một công ty cung cấp dịch vụ về trà. Bản thân những người sáng lập Mixue đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng gấp 4 lần vào năm ngoái.

Sự cạnh tranh này đã buộc Heytea, một chuỗi đồ uống Trung Quốc nổi tiếng với các loại trà sữa đắt tiền, phải giảm giá tới 1/3 vào năm ngoái và hạ toàn bộ giá sản phẩm xuống dưới 30 nhân dân tệ, tương đương 4,20 USD. Năm ngoái họ cũng tuyên bố rằng “sẽ không bao giờ tăng giá” cho dù đối thủ có làm gì đi chăng nữa.

Wang Chao, 29 tuổi, đã phải cắt giảm đáng kể chi tiêu của mình vì anh đang sống nhờ trợ cấp thất nghiệp sau khi mất việc vào tháng 5.

Anh cho biết chủ yếu mua sắm trên các trang web giảm giá như Pinduoduo thay vì Alibaba, nơi thường có các mặt hàng chất lượng tốt hơn nhưng đắt tiền hơn. Anh cũng cho biết thường mua trái cây trên Pinduoduo vì rẻ hơn, mặc dù hiểu rõ chất lượng không tốt.

Wang đang gặp khó khăn trong việc tìm việc làm mới trong ngành logistics vì nhiều công ty đã phá sản. Anh là một phần của một nhóm lớn những người thất nghiệp đang cạnh tranh để giành được một số công việc giống nhau.

Wang nói sau khi mất thu nhập, anh bắt đầu cắt giảm để “tránh thiếu hụt”. “Tất cả những gì tôi có thể làm là giảm mức chi tiêu để tồn tại”.

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Chỉ còn "một đoạn nữa" để về đích

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Chỉ còn "một đoạn nữa" để về đích

Chính phủ rất quan tâm đến chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý toàn diện vấn đề. Hiện đã cơ bản giao xong cho chủ đầu tư là PVN, chỉ còn "một đoạn nữa" là đảm bảo khí, sản lượng điện, giá, thời gian khai thác phù hợp để ký hợp đồng và triển khai thông suốt.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.