Giải pháp tiếp cận vốn cho hợp tác xã

Tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp vay vốn trong nội bộ là chìa khóa giải quyết khó khăn về tiếp cận nguồn vốn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tính đến năm 2022, cả nước có khoảng hơn 29 nghìn hợp tác xã, tăng khoảng 7% so với năm 2021. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp có khoảng 19,5 nghìn, chiếm khoảng 66% tổng số lượng hợp tác xã.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các hợp tác xã nông nghiệp đang dần được tăng cường về cả quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt là kể từ năm 2021 với định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiệp nay, gần 40% đơn vị làm các sản phẩm OCOP là hợp tác xã, tập trung nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc.

Giải pháp tiếp cận vốn cho hợp tác xãThứ trưởng Trần Thanh Nam nêu kiến nghị tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ảnh: MPI

Một định hướng quan trọng khác đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tích cực đẩy mạnh là phát triển hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ, liên kết chuỗi giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, từ đó nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá, so với doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Đây là nút thắt lớn, cản trở các hợp tác xã mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, nhận định, tiếp cận tín dụng cùng với tiếp cận đất đai là 2 yếu tố căn bản để hợp tác xã phát triển cả về lượng và chất. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các hợp tác xã đều chưa được tạo đầy đủ điều kiện tiếp cận 2 nguồn lực mang tính căn bản này.

Lý giải cho khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho biết, hợp tác xã về cơ bản là không có tài sản chung để thế chấp, do đó không thể vay vốn ngân hàng. Hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân tồn tại để giải quyết khó khăn về tiếp cận vốn nhưng cũng chưa phát huy được hết vai trò.

Cần chính sách vay vốn nội bộ

Để giải quyết vấn đề tiếp cận vốn cho hợp tác xã, Thứ trưởng Nam đề xuất, cần phải làm rõ hơn chính sách về tín dụng nội bộ, một nội dung đã được đề cập đến trong Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể. Ông Nam cho biết, từ năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn về tín dụng nội bộ, tuy nhiên đến nay đã không còn hiệu lực, do đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cũng như Ban chỉ đạo có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho hợp tác xã vay vốn.

Báo cáo với Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trả lời đề nghị của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đã có điều 82 quy định về chính sách tín dụng nội bộ, tuy nhiên sử dụng thuật ngữ mới là “cho vay nội bộ”.

Cụ thể, khoản 1 điều 82 dự thảo luật quy định “cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng”.

Giải pháp tiếp cận vốn cho hợp tác xã 1Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng điều phối cuộc họp. Ảnh: MPI

Bên cạnh đó, hiện nay, trên khắp cả nước đã có 1.180 quỹ tín dụng nhân dân, hiện đang tăng trưởng đều về huy động và sử dụng vốn, với dư nợ, đặc biệt là nợ xấu ở mức thấp, không tăng so với năm 2021. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu vốn của hợp tác xã.

Ghi nhận quan điểm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái cho biết, đối với các hợp tác xã nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ phía ngân hàng, do đó chính sách vay vốn nội bộ là rất cần thiết.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù hoạt động cho vay nội bộ không phải hoạt động của ngân hàng nhưng Ngân hàng Nhà nước phải tham gia để kiểm soát và định hướng, từ đó tạo ra nguồn vốn bền vững cho các hợp tác xã hoạt động. “Dòng vốn bền vững thì hợp tác xã mới yên tâm, đưa dòng vốn đi vào sản xuất thì hợp tác xã mới tiếp tục phát triển”, Phó thủ tướng cho biết.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.