10 năm sau thảm hoạ vỡ nợ, Hy Lạp giờ đây đã trở thành một nền kinh tế có tăng trưởng thuộc hàng cao nhất Châu Âu
Mới đây, Paris Skouros – chủ công ty sản xuất thang máy Skouros & Sons chỉ tay ra ngoài cửa sổ văn phòng và cho biết đã có 4 tòa nhà cao tầng mọc lên, được xây dựng bởi các công ty xây dựng Hy Lạp và quốc tế để bán cho thuê du lịch, đầu tư vào bất động sản nước ngoài và văn phòng công ty. Ở xa hơn, một loạt tòa nhà mới xuất hiện trên đường chân trời.
Khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp gần như làm công ty của ông Skouros phá sản. Ông cho biết, những năm tháng áp dụng các biện pháp cực kỳ gắt gao bởi các gói cứu trợ quốc tế đã khiến ngành xây dựng mới tê liệt. Nhưng bây giờ, sự phục hồi kinh tế đang xuất hiện.
"Trong thời kỳ khủng hoảng, chúng tôi chỉ muốn sống sót. Bây giờ, chúng tôi có lợi nhuận và doanh nghiệp rất mạnh mẽ, đến mức chúng tôi không thể tìm đủ công nhân để đáp ứng nhu cầu", ông Skouros nói.
HỒI SINH
Trường hợp của ông Skouros cho thấy rõ tình hình của Hy Lạp hiện tại. Từ một nền kinh tế phải khuất phục trước lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và IMF để sống thắt lưng buộc bụng bất chấp phản đối của người dân, Hy Lạp giờ đây đã trở thành một nền kinh tế có tăng trưởng thuộc hàng cao nhất Châu Âu trong bối cảnh các nước Đức, Pháp lẫn Anh đều đang gặp khó khăn. Thậm chí, các công ty đánh giá tín dụng cũng đã nâng cấp đánh giá nợ của Hy Lạp và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài lớn.
Nền kinh tế Hy Lạp đang phát triển với tỷ lệ gấp đôi so với mức trung bình khu vực đồng euro, và tình trạng thất nghiệp, mặc dù vẫn còn cao ở mức 11%, nhưng hiện đã xuống thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Du khách đã trở lại đông đúc, thúc đẩy sự náo nhiệt trong ngành xây dựng và tạo ra nhiều việc làm mới. Các công ty đa quốc gia, như Microsoft và Pfizer cũng đang tích cực đầu tư vào. Và các ngân hàng gần như sụp đổ đã được hồi sinh và đang cho vay trở lại, mang lại lợi ích cho nền kinh tế tổng thể.
Dẫu vậy, tờ NYTimes nhận định Hy Lạp vẫn đối diện với rủi ro. Khối nợ khổng lồ của họ đã giảm, nhưng vẫn đạt 166% so với tổng sản phẩm quốc nội, thuộc loại cao nhất trên thế giới. Các ngân hàng của đất nước này vẫn nắm giữ một số lượng nợ không trả được lớn hơn so với trung bình châu Âu. Và nỗi khốn khó từ chính sách thắt lưng buộc bụng vẫn còn như vừa mới đây đối với một số người, khi thêm vào đó là lạm phát vẫn cao do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vốn nổi tiếng có chính sách thân thiện với doanh nghiệp, đã tái đắc cử một cách áp đảo vào tháng 6 sau khi được ghi nhận đã thúc đẩy quá trình phục hồi bằng cách giảm thuế và nợ. Chính phủ đã giảm quy định rườm rà đối với doanh nghiệp và tăng mức lương tối thiểu. Đất nước này thậm chí đang trả tiền cho các gói cứu trợ quốc tế trước thời hạn.
Ông Mitsotakis ca ngợi sự trở lại của Hy Lạp với các nhà đầu tư. "Tôi sẽ không bao giờ cho phép chúng ta phải trải qua lại nỗi đau của một cuộc vỡ nợ quốc gia", ông nói một ngày sau khi đánh giá tín dụng mới nhất được thay đổi.
Hy Lạp đã trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sau khi thị trường tài chính tại Wall Street sụp đổ vào năm 2008. Ireland, Bồ Đào Nha và Síp cũng bị buộc phải nhận các gói cứu trợ quốc tế. Nhưng Hy Lạp chịu nhiều nhất, cần tới ba gói cứu trợ từ năm 2010 đến 2015, tổng cộng 320 tỷ euro, tương đương 343 tỷ USD, với những điều kiện phải thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. Thu nhập hộ gia đình và lương hưu bị cắt giảm. Nền kinh tế thu nhỏ, và hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản khi ngân hàng đóng cửa. Đến năm 2013, gần một phần ba người Hy Lạp đã thất nghiệp.
"Chúng tôi mong muốn rằng chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng những biện pháp này chính là đóng góp của Hy Lạp để tự bảo vệ bản thân", Yannis Stournaras, người từng là Bộ trưởng Tài chính và hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và là thành viên Hội đồng Ngân hàng Trung ương châu Âu nói. "Hy Lạp đã phải thực hiện những bước đi khó khăn này để tồn tại".
Hy Lạp đã thoát khỏi những biện pháp kiểm soát tài khóa nghiêm ngặt của các chương trình cứu trợ vào năm 2018, và những hành động của chính phủ kể từ đó đã đạt được sự tin tưởng từ Liên minh châu Âu. Năm 2021, các nhà hoạch định chính sách tại Brussels đã phê chuẩn thêm 30 tỷ euro cho đầu tư vào biến đổi khí hậu tại Hy Lạp, là một phần của nỗ lực rộng lớn để củng cố nền kinh tế của Liên minh châu Âu sau thời gian bị giãn cách do đại dịch Covid-19.
Trong tháng này, DBRS Morningstar, một công ty đánh giá tín dụng toàn cầu được chính Ngân hàng Trung ương châu Âu công nhận, đã nâng hạng tín nhiệm của Hy Lạp lên mức đầu tư, một bước tiến mở cửa cho các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư lớn khác để mua các trái phiếu do chính phủ phát hành. Điều này sẽ làm giảm chi phí vay cho hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Moody's, một trong những công ty đánh giá tín dụng lớn nhất, đã nâng hạng tín nhiệm của Hy Lạp vào ngày 15 tháng 9 lên hai bậc, chỉ còn một bậc nữa để đạt mức đầu tư, với lý do là "sự thay đổi cấu trúc sâu sắc" trong nền kinh tế, tài chính và hệ thống ngân hàng của đất nước này.
Các nhà đầu tư cũng đang liên tục đổ tiền vào. Microsoft đang xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ euro ở phía đông Athens. Xa hơn về phía bắc, Pfizer đang đầu tư vào một trung tâm nghiên cứu trị giá 650 triệu euro. Các công ty Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang đề xuất các thỏa thuận về năng lượng tái tạo. Và các khoản đầu tư của Cisco, JPMorgan, Meta và các công ty đa quốc gia khác được dự kiến sẽ có tác động kinh tế trị giá hàng tỷ euro trong vài năm tới.
Hơn 10 triệu du khách đã tiến vào Hy Lạp trong mùa hè năm nay, mang lại doanh thu ước tính trên 21 tỷ euro.
Hơn 10 triệu du khách đã tiến vào Hy Lạp trong mùa hè năm nay, mang lại doanh thu ước tính trên 21 tỷ euro. Xây dựng đã tăng trên đất liền và trên các hòn đảo Hy Lạp nổi tiếng, do nhu cầu đang tăng vọt với khách sạn, cho thuê qua Airbnb và chương trình cho phép người nước ngoài có thể có visa để sống tại các quốc gia Liên minh châu Âu nếu họ mua ít nhất 500.000 euro bất động sản ở Hy Lạp.
Hoạt động này đã giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp như công ty của ông Skouros. Công ty này hiện được ông quản lý cùng với anh trai mình, đã được thành lập bởi cha họ vào năm 1965. Khi đơn đặt hàng trở nên khan hiếm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, họ vượt qua bằng cách bảo trì thang máy mà công ty đã lắp đặt xung quanh Athens.
Ngày nay, họ đã có đơn đặt hàng cho các thang máy trong 10 tòa nhà, so với việc không có đơn nào trong thời kỳ khủng hoảng và cách ly Covid. Với giá khoảng 20.000 euro mỗi thang máy, công ty đang có lợi nhuận trở lại. Ông Skouros đã tăng lương 10% và thuê thêm năm người. Ông cần nhiều kỹ thuật viên hơn, nhưng trong một nền kinh tế sôi động, ông không còn tìm được người muốn làm việc.
VẾT THƯƠNG CHƯA LÀNH
Sự phục hồi diễn ra nhanh đến nỗi ông Skouros lo lắng về việc hình thành một bong bóng bất động sản. Vì vậy, ông tránh xa việc xây dựng các tòa nhà cao tầng mới mà ông sợ có thể sụp đổ, và nhắm đến các tòa nhà ở nhỏ hơn với tài chính vững mạnh.
Với một số người, sự phục hồi kinh tế vẫn chưa làm lành những vết thương từ chính sách thắt lưng buộc bụng.
Dmitris Mitrofinakis, 67 tuổi, đã gặp khó khăn trong việc hồi phục sau khi đóng cửa cửa hàng trang trí nhà cửa mà ông đã điều hành trong hơn 40 năm. Ông đã tiêu hết tiền tiết kiệm cá nhân của mình trong thời kỳ khủng hoảng để cố gắng cứu vãn cửa hàng. Khi nghỉ hưu vào năm 2015, số tiền lương hưu mà ông đã đóng suốt nhiều năm bị cắt giảm xuống còn 1.300 euro mỗi tháng, so với số 2.400 euro mà ông dự định sẽ nhận được.
"Chính sách thắt lưng buộc bụng áp đặt lên Hy Lạp đã quá nghiêm khắc", ông Mitrofinakis nói. Hiện ông sống trong một căn hộ khiêm tốn cùng với vợ ở một khu phố công nhân, và ông cho biết cuối tháng chỉ còn ít tiền.
Ông thấy có dấu hiệu rằng nền kinh tế đang cải thiện. "Khi nhìn xung quanh, mọi người có nhiều việc làm hơn và lương cao hơn", ông Mitrofinakis nói. "Nhưng nhiều người khác vẫn chưa hồi phục", ông nói. Bằng chứng là nhiều người hàng xóm đã nghỉ hưu của ông vẫn đang gặp khó khăn.
Roula Skouros, người quản lý khách sạn ở thành phố Tripoli, không kỳ vọng rằng việc nâng hạng tín nhiệm đầu tư của Hy Lạp sẽ cải thiện cuộc sống của bà. "Ai đó có thể làm việc tại ngân hàng hoặc trên thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng, nhưng tôi thì không", bà Skouros nói. Bà cho biết, mức lương hàng tháng của mình luôn duy trì ở mức lương tối thiểu.
Trong một bài phát biểu gần đây, ông Mitsotakis đã nhận thấy các thách thức và cam kết sẽ phân phối lợi ích của sự phục hồi rộng rãi hơn. Chính phủ của ông thông báo rằng họ nhắm tăng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 950 euro vào cuối nhiệm kỳ bốn năm sau khi nâng mức này lên 780 euro vào tháng 4. Mức lương của nhân viên trong khu vực công cộng cũng sẽ tăng lên lần đầu tiên sau khi bị cắt giảm 20% trong thời kỳ khủng hoảng để trả nợ của Hy Lạp.
Đối với Konstantinos Kanderakis, 62 tuổi, một giám đốc tại cơ quan dịch vụ kỹ thuật số của Hy Lạp, những kết quả đạt được là có ý nghĩa. Ông kiếm được 1.300 euro mỗi tháng sau 35 năm làm việc trong chính quyền, và hiện ông sẽ được tăng thêm 100 euro mỗi tháng sau mười năm thu nhập của ông giảm đi.
"Điều này làm tôi phấn khích", ông nói. "Hy Lạp đã ổn định lại, và điều tôi hạnh phúc nhất là mọi thứ sẽ tốt hơn cho con cái của tôi”.