Việc điều chỉnh là cần thiết sau khi VN-Index trước đó đã vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm sau giai đoạn dài tăng điểm và qua đó tiếp tục giúp tích lũy thêm nội lực trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự…
Chứng khoán tuần 26/6-30/6, sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, VN-Index trong tuần cuối cùng tháng 6 đã chịu áp lực điều chỉnh, chốt lãi ở vùng giá quanh kháng cự mạnh 1.140 điểm. VN-Index kết thúc tháng 6 và quý 2/2023 ở mức 1.120,18 điểm, giảm nhẹ -0,81% so với tuần trước. Tháng 6/2023 VN-Index vẫn tăng khá mạnh 4,19% so với tháng 5 và tăng 5,22% trong quý 2, mức tăng khá tốt với thanh khoản cải thiện sau giai đoạn tích lũy kéo dài. Tuy nhiên VN-Index đóng cửa cuối tháng vẫn chưa thể vượt lên trên vùng giá cao nhất đầu năm tương ứng 1.125 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 82.816,54 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8%; khối lượng giao dịch giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước, thể hiện mức độ phân hóa mạnh và áp lực chốt lãi ngắn hạn, bán khá mạnh ở nhóm mã có tính chất đầu cơ, vốn hóa trung bình nhỏ. Thanh khoản HNX giảm 16,07% với 8.245,25 đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng giao dịch, bán ròng tuần thứ hai liên tiếp với giá trị 340,53 tỷ đồng, mua ròng trên HNX với giá trị 161,79 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận những thông tin trong tuần như: Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); Tăng trưởng GDP quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, không như kỳ vọng, rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra là 6% - 6,5%.
Qua đó sau nhiều phiên biến động giằng co quanh vùng giá 1.130 điểm -1.140 điểm trong 03 phiên đầu tuần, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh với độ rộng tiêu cực. Trong đó nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có tương quan cao với VN-Index, hầu hết chịu áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng như VIX (-11,48%), WSS (-8,97%), BVS (-7,11%), FTS (-7,04%), BSI (-5,65%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự với đa số chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến khá tiêu cực, nhiều mã chịu áp lực bán mạnh hơn khi tổ chức đại hội cổ đông không thành công với QCG (-24,15%), LGL (-15,21%), TDC (-12,07%), CEO (-9,16%), NHA (-8,37%), DIG (-7,68%)....
Trong khi đó các cổ phiếu khu công nghiệp lại có diễn biến phân hóa khá tích cực trước những kỳ vọng gia tăng thu hút FDI, mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều mã tăng giá tốt như SIP (+5,78%), IDV (+3,48%), D2D (+3,06%), GVR (+2,11%), KBC (+1,21%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như VGC (-4,05%), DTD (-3,88%), LHG (-2,92%)...
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng sau tuần tăng điểm tích cực trước đa số chịu áp lực điều chỉnh trở lại với thanh khoản dưới mức trung bình như BVB (-6,09%), VAB (-4,82%), MSB (-3,08%), TPB (-2,70%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ so với tuần trước với CTG (+0,85%), EIB (+0,71%), ACB (+0,68%)...
Chỉ số VN-Index ngày 30/6
Nắm giữ vị thế trung hạn
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tiếp tục trải qua một nhịp giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Lực cầu suy yếu kết hợp với áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến cho chỉ số tiếp tục có
một phiên điều chiều chỉnh giằng co.
Mặc dù vậy, chỉ số đang có nhiều cơ hội hồi phục trở lại với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.115-1.117.
Khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và kết hợp mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự theo từng mã riêng lẻ với phần vị thế còn lại.
Quảng cáo
Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 15,5x
Chứng khoán Mirae Asset
Thông tin khởi tố thao túng giá “cổ phiếu họ APEC” đã làm nhóm cổ phiếu tăng nóng trong giai đoạn trước chịu áp lực bán mạnh và điều chỉnh sâu trong tuần.
Trước khi giảm, VN-Index cũng đã có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, diễn biến này có thể giúp chỉ số sớm cân bằng trong ngắn hạn sau 2 phiên giảm điểm. Vùng 1.120 hiện gần mốc MA 200 tuần (1.124) và có thể là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong những phiên đầu tuần sau.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức +0 (trung tính). Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 15,5x.
Đánh giá lại trạng thái thị trường
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường chưa thể hồi phục trở lại sau nhịp giảm sâu vừa qua. Đồng thời thanh khoản giảm đáng kể, cho thấy sự thận trọng và lưỡng lự của cả 2 phe cung và cầu. Dù vậy, hiện tượng bán tháo sau phiên giảm mạnh cũng chưa diễn ra đủ lớn để gây sức ép cho thị trường.
Điều này được thể hiện qua mức giảm điểm hôm nay có phần thu hẹp so với phiên trước. Dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ tại vùng 1.115 – 1.120 điểm của VN-Index và hồi phục trở lại để kiểm tra lại nguồn cung và tín hiệu suy giảm ngày 29/6. Tạm thời vẫn cần lưu ý áp lực cung từ vùng cản 1.130 - 1.135 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Đồng thời cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng các cổ phiếu đang chịu áp lực bán từ vùng cản để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Sớm tăng điểm trở lại
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Thị trường duy trì sóng hồi với sức mạnh ổn định được thể hiện rõ qua từng đợt tăng kèm điều chỉnh tích lũy lại. Với trạng thái hiện tại khả năng VN-Index sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm vẫn được duy trì.
Xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang tích cực với nhịp điều chỉnh trong tuần vừa qua và tiếp tục tích lũy trong khu vực rộng từ 1.000 điểm - 1.150 điểm, đồng thời tạo cơ sở để hình thành uptrend nếu VN-Index tích lũy đủ và vượt qua mốc 1.150 điểm.
Thị trường ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong sóng hồi hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.150 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tranh thủ nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục nhưng nên duy trì tỷ trọng trung bình và hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao. Nhà đầu tư trung và dài hạn đã giải ngân trong giai đoạn vừa qua nên duy trì danh mục hiện tại. Trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.