Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt và tồn kho giảm dần tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm làm giảm cầu thế giới trong 8 tháng năm 2023 nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Xuất khẩu tháng cao nhất trong 1 năm trở lại đây
Theo báo cáo, trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.
Nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục dẫn đầu
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch ước đạt 27,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với tháng trước và chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong nhóm hàng này, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,7%, đạt 5,5 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1%, đạt 3,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,6%, đạt 3,7 tỷ USD; giày dép tăng 3,3%, đạt 1,85 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm tăng 2,6%... Đáng chú ý, điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 16,8%, đạt 5,2 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng nhẹ 6,5% so với tháng trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 60,6%, ước đạt 582 triệu USD; hạt tiêu tăng 5,4%; chè tăng 21,3%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 32,2%. Ngược lại, xuất khẩu cà phê và hạt điều lần lượt giảm 13,4% và 6,4%...
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 14,9% nhờ kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng 107,2%.
Xem thêm: "Đón tin vui từ thị trường Mỹ, “sóng” sẽ nổi ở nhóm cổ phiếu xuất khẩu cá tra?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô).
"Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn", Bộ Công Thương nhận định.
Xuất siêu hơn 20 tỷ USD
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỷ USD), nhóm nông thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỷ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỷ USD). Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%; giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...
Trong 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục xuất siêu khoảng 3,82 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 8 tháng năm 2023 là 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD. Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 5,5%; thị trường châu Âu giảm 6,9%; thị trường châu Mỹ giảm 17,8%; thị trường châu Phi tăng 1,1%; châu Đại dương giảm 12%).
Xem thêm: "Xuất khẩu dệt may sắp bước qua thời kỳ ảm đạm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN ước đạt 21,79 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc giảm 7,3%, ước đạt 15,5 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 15,23 tỷ USD, giảm 3,9%.
Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%... cho thấy những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tồn kho giảm, cửa xuất khẩu đang sáng hơn
Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, việc Trung Quốc - thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực đã xuất hiện ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng 8 với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2023 của lĩnh vực chế tạo đã đạt mức 51, cho thấy các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng. Tại Hoa Kỳ, những diễn biến mới trên thị trường lao động khiến Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sớm dừng tăng lãi suất. Dữ liệu công bố ngày 1/9/2023 cho thấy, số việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp ở Hoa Kỳ tăng cao hơn dự kiến, đạt 187.000 việc làm trong tháng 8 tuy nhiên tốc độ tăng trưởng việc làm của Hoa Kỳ đang chậm lại.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.