Nguyễn Hương Trà (Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
Mấy ngày qua, việc cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đổ bộ vào miền bắc nước ta đã gây ra nhiều làn sóng tích trữ nhu yếu phẩm trong người dân. Thực tế, nhu cầu này là hoàn toàn dễ hiểu, nhất là khi cơn bão số 3 được đánh giá có sức công phá, ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Từ trước đến nay, mỗi lần có thiên tai, giá đồ ăn thức uống đều có xu hướng bị đẩy cao do nhu cầu tăng mạnh. Và lần này, hiện tượng trên lại tái diễn.
Do công việc bận bịu, tôi không có điều kiện đi chợ mỗi ngày, mà chỉ có thể mua sắm thực phẩm 1-2 lần/tuần. Vì vậy, trước khi bão vào đất liền một ngày, tôi mới có thời gian chuẩn bị lương thực vào buổi chiều tối. Tuy nhiên, dù đã ghé qua 3 khu chợ dân sinh trên quãng đường gần 10 km từ nơi làm việc về nhà, tôi vẫn không thể mua được dù chỉ một mớ rau. Bỏ qua khu vực chợ dân sinh, tôi tìm đến các siêu thị lớn nhỏ nhưng cũng gặp tình cảnh tương tự. Hàng hóa trên các khay rau củ đã được mua sạch trơn. Nhiều loại thịt và đồ ăn sẵn còn rất ít, một số dòng sản phẩm được ưa chuộng đã hoàn toàn “mất dạng”.
Cảnh tượng chen lấn, xếp hàng mua đồ ăn ở cả chợ dân sinh và siêu thị khiến tôi và không ít người dân khác chỉ biết chôn chân thở dài sau ngày làm việc mệt mỏi. Đáng nói hơn, là một bộ phận không nhỏ tiểu thương ở các chợ dân sinh đã đẩy cao giá bán thực phẩm để kiếm lời. Thật lạ lùng là hành động này từ trước đến nay không hề nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là không có khung hình phạt và cũng chẳng có hướng xử lý. Cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã đề xuất phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá hàng hóa, dịch vụ nhằm trục lợi. Vậy nhưng, sau gần 1 năm, quy định cấp thiết này vẫn chưa thật sự có hiệu quả.