Chú trọng an toàn thực phẩm mùa tựu trường

Vào năm học mới 2024-2025, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn tại các trường học cần được chú trọng hơn nữa, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể như thời gian vừa qua.

Nâng cao năng lực quản lý và kiến thức thực hành cho các nhà trường

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Năm học mới, một số vấn đề liên quan đến ATVSTP bếp ăn trường học vẫn còn những hạn chế như: Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng; chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định… Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm ATVSTP.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trước thềm năm học mới 2024-2025, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và kiến thức thực hành cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP Hà Nội đảm nhiệm vai trò giảng viên của lớp tập huấn cho hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn quận Hà Đông. Bà Hằng cho biết, ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chi phí điều trị của mỗi cá nhân, mà còn gây tổn thất cho nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...

“Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho học sinh, các bếp ăn tập thể trường học cần tuân thủ các quy định về bảo đảm ATVSTP từ khâu sơ chế, chế biến, đến bảo quản và sử dụng thực phẩm. Bên cạnh những kiến thức thực hành, qua các lớp tập huấn, cán bộ, nhân viên của các nhà trường còn được giải đáp cặn kẽ về việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và Luật ATTP như: Hồ sơ, trình tự thủ tục công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm; các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm…”, bà Lê Thị Hằng nói.

Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hai Bà Trưng cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý ATVSTP cho các trường có bếp ăn bán trú. Tại đây, đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội đã hướng dẫn quy định về khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; về vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; cách sử dụng và bảo quản thực phẩm…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Trần Thị Phương Anh, hằng năm, các lớp tập huấn được tổ chức đã cung cấp các kiến thức, cập nhật những quy định mới về bảo đảm ATVSTP cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh. Từ việc hiểu đúng, sẽ giúp họ thực hành đúng, tuân thủ đúng các điều kiện về bảo đảm ATVSTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.

Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn thực hành các quy định về bảo đảm ATVSTP cho bếp ăn tập thể, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cũng yêu cầu Phòng Y tế và Phòng GD&ĐT của quận phối hợp đánh giá năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho các nhà trường và hoàn thành trước năm học mới. Mặt khác, cơ quan chức năng của quận tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể, căng-tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chung quanh cổng trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm và công khai để người dân biết. Tuyệt đối không để các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về ATVSTP đưa vào trường học.

“Giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATVSTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Riêng với các nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép về ATVSTP phù hợp từng nhóm tuổi để qua đó mỗi học sinh biết cách tự phòng tránh ngộ độc thực phẩm”, ông Phạm Văn Chiến lưu ý.

Ngăn chặn thực phẩm bẩn từ cổng trường

Nắm bắt nhanh những trào lưu ẩm thực của giới trẻ qua Facebook, YouTube, TikTok, cổng trường học thường là nơi bán các loại thực phẩm được gọi là “hot trend” như mì cay 7 cấp độ, gỏi măng cụt, trà mãng cầu, bánh đồng xu phô mai “10 won”, trà chanh giã tay rồi đến xúc xích nướng trên sỏi… Thực tế, những món ăn nói trên thu hút nhiều học sinh tìm mua do tò mò và muốn trải nghiệm thực phẩm mới lạ, lại có mức giá khá rẻ - chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Còn người bán thức ăn vặt ngoài cổng trường thường có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách, vấn đề vệ sinh, ATTP không được coi trọng.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo “Tháng hành động vì ATVSTP” năm 2024 với các quận, huyện, thị xã, diễn ra mới đây, đại diện Công an Hà Nội đã dẫn chứng về một đường dây buôn bán hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Đường dây này bị phát hiện bắt đầu từ một hàng quán ở cổng trường học. Sau đó, lần theo dấu vết, lực lượng công an đã tìm được 5 - 6 đầu mối và phát hiện kho hàng có chứa hơn 10 tấn xúc xích “bẩn”. Cơ quan chức năng đã thí nghiệm bằng cách để xúc xích thu giữ được ở ngoài nắng trong 7 ngày. Kết quả, xúc xích không bị ôi thiu, bốc mùi. Lực lượng chức năng nghi ngờ sản phẩm này có sử dụng formol để bảo quản. Tháng 4/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) đã thu giữ 2.000 cây xúc xích có chữ nước ngoài trên bao bì, được tập kết tại khu vực số 1, Km12 đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là các hàng nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Tiếp đó, đến tháng 5/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ “đột kích” kho hàng tại đường Đồng Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ khoảng 4 tấn xúc xích và cánh gà chế biến sẵn ăn liền không rõ nguồn gốc.

Đây đều là các sản phẩm bán chạy trên thị trường hiện nay và được giới trẻ yêu thích, thường được bày bán tại cổng các trường học, hoặc là nguyên liệu để chế biến những món ăn vặt “hot trend”. Khó có thể tưởng tượng nổi, nếu hàng tấn nguyên liệu thực phẩm “bẩn” này không sớm được phát hiện và xử lý kịp thời thì hậu quả lớn đến mức nào.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các món thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội... đã được đưa vào danh sách Nhóm 1 các tác nhân gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), một bộ phận của WHO đánh giá chỉ ăn 50 gram thịt chế biến sẵn mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 18%. WHO định nghĩa rằng, thịt chế biến sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị thịt và để bảo quản được lâu hơn. Một số loại thịt chế biến sẵn được nhiều người sử dụng là thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, thịt bò muối, thịt bò khô, thịt gà khô, thịt heo sấy khô, thịt đóng hộp, các loại nguyên vật liệu chế biến (chế phẩm) và nước sốt từ thịt... Nguyên nhân khiến thịt chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ ung thư là bởi chúng chứa nhiều chất phụ gia, có thể chứa các hóa chất hình thành trong quá trình chế biến hoặc nấu thịt, thí dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, gây tổn thương ADN, phát triển ung thư.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ung thư, các loại thịt chế biến sẵn còn ít dinh dưỡng nhưng lại dư thừa quá nhiều muối, nhiều mỡ, natri... Bởi vậy, các loại thịt chế biến sẵn có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ cao huyết áp, tim mạch...

ThS, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Nghiên cứu, tư vấn dinh dưỡng cảnh báo: “Những sự sáng tạo về các món ăn “hot trend” có thể tạo ra những công thức có những hợp chất gây vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe, gia tăng lo ngại vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm”. Do đó, thay vì tò mò đua nhau chạy theo những món ăn “hot trend” chế biến sẵn, các bạn trẻ hãy lựa những món ăn gần gũi với thiên nhiên, những món ăn cân bằng, tốt cho sức khỏe.

Tin liên quan

Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Tránh bị lừa khi chuyển đổi điện thoại

Lợi dụng việc sắp tắt sóng dịch vụ 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện không ít người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi ở nông thôn bị lừa mua phải điện thoại mạng 2G “đội lốt” 4G. Theo Cục An toàn thông tin, người dân nên mua máy tại các cửa hàng bán lẻ uy tín và làm theo những cách sau để kiểm tra điện thoại có chức năng hỗ trợ mạng 4G hay không.
Sàn diễn cho tài năng thời trang mới

Sàn diễn cho tài năng thời trang mới

Sau thành công và danh tiếng của “Chuyến viễn du thời trang” (Fashion Voyage), nhà sáng lập, đạo diễn Long Kan (trong ảnh), tiếp tục công bố chương trình thời trang mới có tên gọi Vietnam Next-Gen Fashion dành cho các nhà thiết kế (NTK) trẻ nhằm giúp họ phát triển thương hiệu cá nhân, đồng thời quảng bá sản phẩm đến gần với giới mộ điệu thời trang.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 15/8 đã xác nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở Thụy Điển có liên quan đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi. Các chuyên gia y tế đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu.
Sinh viên chật vật tìm nơi ở

Sinh viên chật vật tìm nơi ở

Lê Thị Hoa (sinh viên năm nhất Trường đại học Công đoàn) vẫn chưa hết hoang mang khi nghe chủ nhà trọ thông báo giá tiền thuê nhà tháng sau sẽ là 3,8 triệu đồng/tháng thay vì mức giá 3,2 triệu đồng/tháng như hiện nay (chưa kể tiền điện). Số tiền ở trọ vượt quá mức chi trả của gia đình, Hoa tìm mọi cách xoay xở để đỡ gánh nặng cho gia đình.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.