Sinh viên chật vật tìm nơi ở

Lê Thị Hoa (sinh viên năm nhất Trường đại học Công đoàn) vẫn chưa hết hoang mang khi nghe chủ nhà trọ thông báo giá tiền thuê nhà tháng sau sẽ là 3,8 triệu đồng/tháng thay vì mức giá 3,2 triệu đồng/tháng như hiện nay (chưa kể tiền điện). Số tiền ở trọ vượt quá mức chi trả của gia đình, Hoa tìm mọi cách xoay xở để đỡ gánh nặng cho gia đình.

“Giá thuê trọ tốn bằng tiền ăn cả nhà”

Loay hoay mãi mới dắt được xe điện vào nơi để xe đã chật kín ở khu trọ, Hoa cho biết, hằng tháng cô phải trả thêm phí 80 nghìn đồng cho phí để xe điện. Năm ngoái, Hoa cùng bạn học thuê phòng trọ này, diện tích khoảng 20 m2, ở tầng 5 trong khu nhà 10 tầng nằm trong con ngõ hẹp trên đường Tây Sơn (Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội). Lý do tăng giá được chủ nhà trọ giải thích là do khu trọ năm nay mới lắp đặt thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Nhà trọ có thêm thiết bị báo khói, bình chữa cháy, thang thoát hiểm, còn mặt nạ phòng độc thì người trọ phải tự mua. Nhưng mỗi phòng trọ lại gánh thêm 500-600 nghìn đồng/tháng để “bù đắp lại” (?). Nếu không đồng ý với mức giá mới, Hoa có thể phải dọn đi vì “đang có nhiều người hỏi thuê”.

Dù khá hài lòng với chỗ đang trọ nhưng Hoa vẫn quyết đi tìm chỗ mới để tiết kiệm chi phí. Vì nếu tính theo giá phòng trọ mới, cộng thêm tiền điện (4.500 đồng/số), tiền nước (40 nghìn đồng/khối), tiền mạng (100 nghìn đồng/ tháng), tiền vệ sinh, tiền điện sinh hoạt chung, tiền bảo trì tháng máy... mỗi tháng, chi phí riêng cho chuyện ở của Hoa đã tốn gần 3 triệu đồng. “Bằng chi tiêu cả tháng của cả nhà em ở quê”, Hoa cho biết. Cộng thêm tiền ăn, rồi học phí một kỳ là gần 18 triệu đồng, đủ thứ chi tiêu mua sắm cho năm học mới. “Một mình em ngốn của bố mẹ nhiều tiền quá”, Hoa ngậm ngùi.

Theo tìm hiểu của PV tại khu vực Cầu Giấy, Đống Đa, các nhà trọ có diện tích trên dưới 20 m2 khép kín đều có giá từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Những phòng trọ diện tích 10 m2, nhiều phòng còn không có cửa sổ, nhưng có giá thuê từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Ở những khu vực trung tâm tập trung nhiều trường đại học (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa) phòng trọ có giá dưới 2 triệu đồng đã gần như “biến mất”, theo lời một môi giới bất động sản. Đây là thời điểm sinh viên chuẩn bị nhập học, nhu cầu tìm nhà trọ tăng cao, nên dù giá cao hơn hẳn năm ngoái nhưng cũng khó tìm được nhà trọ.

Chật vật xoay xở

Không thể tìm được nhà trọ giá rẻ, nhiều sinh viên lựa chọn tự xoay xở kiếm tiền thêm để bù vào chi phí thuê nhà. Biết gia đình ở quê không thể chu cấp thêm vì không có nguồn thu nào khác, Hoa quyết định không thông báo về những khoản tăng. Từ năm ngoái, Hoa chọn công việc làm gia sư. Mỗi giờ đi dạy Hoa được trả 150 nghìn đồng, “quan trọng hơn là em ít phải ở nhà, như vậy có thể tiết kiệm tiền điện”.

Nguyễn Minh Trang, sinh viên Trường đại học Hà Nội, lại chọn cách chuyển về quê khi chi phí thuê trọ vượt quá khả năng chi trả. Gia đình ở Phú Xuyên nên Trang chọn di chuyển mỗi ngày hơn 30 km đến trường để tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Mỗi buổi sáng, Trang phải đi sớm trước 2 giờ đồng hồ, hầu hết phải đứng suốt tuyến đường vì tuyến bus ngày nào cũng chèn kín người. Di chuyển trên xe bus chật chột, tốn thời gian, bù lại cô sinh viên năm hai này có thể tiết kiệm cho gia đình 2-3 triệu đồng/tháng.

Còn tân sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội Nguyễn Văn Vinh (Nam Định) lại lựa chọn phòng trọ siêu nhỏ trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy), sau cả chục lần đi xem nhà. “Chỗ nào cũng treo biển còn phòng trọ nhưng giá thì cao quá”, Vinh than thở.

Phòng trọ siêu nhỏ (còn gọi là hộp ngủ - sleep box) là lựa chọn của nhiều sinh viên khi đối diện với giá phòng trọ tăng cao. Được thiết kế kiểu hộp ngủ dành cho 1 người, đặt trong căn phòng chung với nhiều người khác, mỗi hộp ngủ có kích thước siêu nhỏ, dài tầm 2 m và rộng khoảng 1 m, có giá thuê khoảng từ 1,5-1,9 triệu đồng/tháng. Giá thuê tuy rẻ và người thuê phải chịu nhiều thứ bất tiện như không riêng tư, phải chia sẻ không gian với nhiều người lạ, phải xếp hàng sử dụng nhà vệ sinh hoặc khu vực bếp… nhưng với nhiều sinh viên đây là giải pháp tạm thời khi chưa lựa chọn được chỗ trọ hợp lý.

Tin liên quan

Trở lại “Điệp khúc vi-rút”

Trở lại “Điệp khúc vi-rút”

Nhà hát kịch Hà Nội vừa tái dựng vở “Điệp khúc vi-rút” của cố nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức qua bản dựng của NSND Trung Hiếu, Giám đốc nhà hát. Buổi báo cáo đã diễn ra tối 12/8 tại rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).
Ngõ nhỏ, chuyện không nhỏ của Hà Nội (kỳ 1)

Ngõ nhỏ, chuyện không nhỏ của Hà Nội (kỳ 1)

Đã vài tháng trôi qua kể từ vụ cháy nhà trọ trong ngõ 119 Trung Kính khiến 14 người tử vong, nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thôi sợ hãi, lo lắng trước hiểm họa cháy nổ. Đó cũng là nỗi lo chung của vô số cư dân phố thị, khi theo thống kê, TP Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, ngách nhỏ, sâu từ 200 m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Không chỉ là chuyện cháy, việc phải sống chen chúc trong những ngõ ngách sâu, tối hun hút như “địa đạo” cũng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của người dân, làm quá tải hạ tầng đô thị, giao thông. Đã đến lúc Hà Nội cần có giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn để từng bước tái quy hoạch những khu vực này, hướng đến xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
“Chuẩn” nào cho nhà trọ công nhân?

“Chuẩn” nào cho nhà trọ công nhân?

Những tiêu chí về chỗ ở được coi là bảo đảm mức sống tối thiểu cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), như diện tích, điều kiện vệ sinh, an ninh và gần đây là tiêu chí về phòng cháy chữa cháy (PCCC), năm nào cũng được nhắc đến trong nhiều hội thảo, hội nghị. Nhưng hầu hết chỉ nêu hiện trạng và khuyến nghị chứ chưa có giải pháp. Hàng nghìn công nhân tại các KCN vẫn phải sống trong những khu trọ giá rẻ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém và mất an toàn, an ninh.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.