Bùng phát lừa đảo trực tuyến tại Nhật Bản

Nhật Bản đang chứng kiến một làn sóng lừa đảo trực tuyến nhắm vào người cao tuổi với hai hình thức chủ yếu là lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng và lừa tình, với thiệt hại lên đến 2,1 triệu USD được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm nay…
n-fraud-a-20181023-1043.jpg

Trong bối cảnh các vụ lừa đảo thông qua mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, cảnh sát Nhật Bản đang đẩy mạnh điều tra làm rõ và kêu gọi người dân cảnh giác cao độ.

Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, đã có 18 trường hợp lừa đảo lớn gây thiệt hại lên đến 328,2 triệu yên (2,1 triệu USD), thậm chí còn vượt qua con số 229,02 triệu yên của 23 trường hợp được báo cáo trong cả năm 2023.

NẠN NHÂN CẢ TIN

Một trong những trường hợp được biết đến nhiều nhất là vụ lừa đảo 2,5 triệu Yên mà nạn nhân là một cụ ông 70 tuổi đến từ vùng Aizu. Cụ thể, vào tháng 1/2024, ông nhận được lời mời kết bạn trên Facebook từ một người phụ nữ không quen biết. Người này tự nhận là nhà thiết kế thời trang đến từ Đài Loan đang sinh sống ở Tokyo.

Lúc đầu, ông cụ từ chối yêu cầu kết bạn nhưng sau đó bị thu hút bởi bức ảnh đại diện xinh đẹp như một nữ diễn viên và chấp nhận lời mời thứ hai của tài khoản kia.

Ngay sau đó, người phụ nữ hỏi kia hỏi liệu ông có muốn nói chuyện và giữ liên lạc trên ứng dụng Line hay không (Line là một ứng dụng trò chuyện có đông đảo người dùng tại Nhật, giống như Zalo ở Việt Nam hay Kakao Talk ở Hàn Quốc). Người này cũng nói với ông cụ rằng cô đã trở lại Đài Loan vào dịp Tết Nguyên đán và gửi cho ông những bức ảnh về hoạt động của cô nhiều lần trong ngày, chẳng hạn như ăn tối và tập yoga.

Khi các cuộc trò chuyện tiếp tục kéo dài, cụ ông dần tình cảm với tài khoản người phụ nữ kia. Ông bày tỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp qua số điện thoại hoặc gặp mặt, nhưng tài khoản này đều từ chối và chỉ nhắn tin qua ứng dụng Line.

cdn4premiumreadcom-2779.jpeg
Ảnh chụp tin nhắn giữa cụ ông 70 tuổi ở vùng Aizu và kẻ lừa đảo

Các câu chuyện liên quan đến tài chính bắt đầu được nêu ra sau ba tuần họ nhắn tin liên tục trên Line. Người phụ nữ giới thiệu một trang web đầu tư vàng và nói rằng bất cứ khi nào cô và chị gái kiếm được lợi nhuận từ các khoản đầu tư này, họ đều gửi tiền sang Philippines để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Tài khoản kia giải thích thêm rằng chị gái cô điều hành một công ty tài chính ở New York và là một chuyên gia đầu tư. Cô nhấn mạnh nếu làm theo chỉ dẫn của chị gái, cụ ông sẽ kiếm được lợi nhuận không nhỏ vì vàng là tài sản đầu tư ổn định nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Nghĩ rằng đầu tư một khoản nhỏ cũng được, cụ ông đã đăng nhập vào trang web đầu tư vàng trên điện thoại di động của mình. Vào ngày 27/2, ông chuyển 50.000 Yên (~320 USD) sang một tài khoản được chỉ định và trang web ngay lập tức cho thấy lợi nhuận hơn 40.000 Yên. Mặc dù có nghi ngờ vì tài khoản được chỉ định là một tài khoản cá nhân mang tên đàn ông ở tỉnh Miyagi nhưng 1 tháng sau cụ ông vẫn tiếp tục chuyển vào 450.000 Yên (~2.900 USD) vào một tài khoản khác với hy vọng nhanh kiếm được lợi nhuận cao hơn.

Sau đó, ông nhận được thông báo trên trang web đầu tư rằng ông không thể tiếp tục giao dịch trừ khi có 40.000 USD. Theo hướng dẫn, cụ ông tiếp tục chuyển 855.000 yên vào ngày 28/3. Tại thời điểm này, lợi nhuận đầu tư hiển thị trên trang web vàng kia đã vượt quá 6 triệu yên.

Cho đến 1/4 khi được yêu cầu chuyển 1,4 triệu Yên đặt cọc trước khi nhận tiền, ông đã trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch và được nhân viên tại đây cảnh báo. Nhưng chỉ đến khi cảnh sát có mặt ở ngân hàng thì ông mới chấp nhận sự thật rằng mình đã bị lừa đảo. Tổng cộng 2,5 triệu Yên mà ông bị lừa là toàn bộ số tiền tiết kiệm để nghỉ hưu.

“Tôi tự hỏi liệu có bao giờ mình lấy lại được tiền hay không. Tôi thấy tức giận với chính mình vì đã để bị lừa”, cụ ông chia sẻ với truyền thông địa phương.

ẨN DANH DƯỚI VỎ BỌC TRỰC TUYẾN

Có hai hình thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện nhiều nhất tại Nhật Bản thời gian gần đây, đó là lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng và lừa đảo tình cảm. Theo cảnh sát địa phương tiết lộ, các trường hợp lừa đảo này bắt đầu gia tăng nhanh chóng kể từ mùa thu năm ngoái.

Đối với hình thức lừa đảo đầu tư, thủ phạm thường sử dụng các trang web có vẻ liên quan đến những người nổi tiếng để khiến mọi người tin vào những câu chuyện sai sự thật. Trong khi đó, lừa đảo tình cảm liên quan đến những kẻ muốn lợi dụng sự mềm yếu và cô đơn của người khác để bòn rút tiền dưới danh nghĩa hỗ trợ hoặc đầu tư, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát hiện các hoạt động lừa đảo và kết quả là khó có thể lấy lại được số tiền lớn đã mất.

Trong ba tháng tính đến tháng 3/2024, tổng số tiền bị mà nhiều người dân Nhật Bản bị mất do lừa đảo đầu tư lên đến 282,93 triệu Yên và lừa đảo tình cảm chiếm 45,27 triệu Yên.

Một trường hợp mới nhất được báo cáo vào ngày 11/4 vừa qua là một người phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Aizuwakamatsu đã mất tới 14 triệu Yên trong một vụ lừa đảo đầu tư có quy mô.

w1700-1096.jpg

Số liệu thống kê cho thấy nạn nhân không chỉ là người cao tuổi mà còn cả những người trong độ tuổi lao động. Hầu hết các trường hợp, nạn nhân lần đầu tiên được liên hệ qua tin nhắn trực tiếp trên Instagram, ứng dụng hẹn hò hoặc Facebook, sau đó họ chuyển sang nói chuyện ở các ứng dụng khác kín đáo hơn.

So với các hình thức lừa đảo thông thường khi thủ phạm trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân, thì các kiểu lừa đảo trực tuyến để chuyển từ giữa các tài khoản sẽ khó để phát hiện và truy vết hơn.

Một số nhà tâm lý học nhận định, có thể các nhóm tội phạm đang lợi dụng sự quan tâm ngày càng tăng của xã hội đối với việc đầu tư giữa bối cảnh tình hình kinh tế biến động, kèm theo lời kêu gọi của chính phủ trong việc các cá nhân nên tăng cường quản lý tài sản của họ. Sự quan tâm đến đầu tư cũng được thúc đẩy một phần bởi việc áp dụng chương trình miễn thuế Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) mới cho các khoản đầu tư nhỏ được công bố vào tháng 1 năm nay.

Cảnh sát Nhật Bản hiện kêu gọi người dân kiểm tra tính xác thực của các kế hoạch đầu tư và lưu ý đến khả năng xảy ra lừa đảo.

“Khi được mời tham gia đầu tư hoặc giao dịch tài sản trực tuyến, trước tiên bạn nên kiểm tra trên website Cơ quan Dịch vụ Tài chính để xem các doanh nghiệp, địa chỉ đó có nằm trong danh sách chính quy hay không. Mọi người cũng nên cảnh giác cao độ nếu tài khoản nhận tiền đứng tên một cá nhân lạ”, đại diện từ cảnh sát Nhật Bản khuyến nghị.

Trên các kênh mạng xã hội chính thức của chính phủ Nhật Bản, một series video về nạn lừa đảo đầu tư cũng được đăng tải và chia sẻ rộng rãi.

Tin liên quan

Vì sao hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng cao?

Vì sao hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng cao?

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) lý giải nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng cao trong tháng 4/2024, đồng thời khuyến nghị các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong thời gian điện năng tiêu thụ tăng cao.
TP. Hồ Chí Minh cấp bách triển khai loạt giải pháp tiết kiệm điện

TP. Hồ Chí Minh cấp bách triển khai loạt giải pháp tiết kiệm điện

Điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa từ 26 độ C trở lên; mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt sớm 60 phút; tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng; dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ;... là những hoạt động UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu triển khai cấp bách nhằm tiết kiệm điện, bảo đảm cung ứng điện từ nay đến 30/6.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.